15 tấn vải thiều Bắc Giang sẵn sàng lên đường sang Nhật Bản
Nam Bình
(KTSG Online) – Sáng mai (26-5), lô vải thiều đầu tiên trong mùa vụ năm nay của tỉnh Bắc Giang sẽ lên đường sang Nhật Bản, theo thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật.
Chiều 25-5, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, trong ngày hôm nay, Cục đã phối hợp với các bên liên quan hoàn tất những công tác chuẩn bị như sơ chế, khử trùng, đóng gói, kiểm dịch... lô vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ngày mai, tại Bắc Giang, lô hàng này sẽ chính thức lên đường sang Nhật Bản. Số lượng xuất khẩu đợt này khoảng 15 tấn. Có 3 đơn vị cùng xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản là Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.
Cũng theo Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật đều phải xử lý bằng Methyl Bromide. Đợt này, lượng vải được xử lý tại cơ sở của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu.
Ngày mai, 26-5, lô vải thiều đầu tiên của mùa vải năm nay sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Cục BVTV cung cấp. |
Đây là cơ sở đã được phía Nhật Bản công nhận từ năm 2020 và tiếp tục được công nhận đủ tiêu chuẩn xử lý vải xuất khẩu sang Nhật Bản cho năm nay. Trong điều kiện phòng dịch Covid-19 nên trong năm 2021 này, phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý theo quy trình tạm thời.
Cục BVTV sẽ triển khai bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát và kiểm tra kiểm dịch thực vật cấp giấy chứng nhận tại cơ sở của Công ty Toàn cầu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu.
Về giá thu mua vải xuất khẩu, giao động từ 22.000-30.000 đồng/kg tùy từng doanh nghiệp và từng vùng vải. Giá này đã cao hơn so với giá nông dân tại chợ từ 7.000-10.000 đồng/kg.
Về công tác phòng dịch Covid-19, Cục BVTV cũng cho biết, đơn vị đã bố trí các biện pháp phòng dịch theo 5K, phối hợp hợp với địa phương để tạo điều kiện đảm bảo an toàn cho các đơn tham gia vào hoạt động xuất khẩu.
Vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật đều phải xử lý bằng Methyl Bromide. Ảnh: Cục BVTV cung cấp. |
Trao đổi với KTSG Online, ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết, năm nay, các kế hoạch kinh doanh, tiêu thụ vải thiều của công ty ông Phương thay đổi liên tục để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.
Tuy nhiên, cái khó nhất khiến ông Phương lo lắng hiện nay là tình trạng nhiều người “sợ” Covid-19 nên không dám ra đồng, tham gia vào các công việc thu hái, xử lý đóng gói tại vùng vải. Để khắc phục tình trạng trên và đảm bảo an toàn cho nhân sự của toàn công ty, ông Phương cho biết, doanh nghiệp này sẽ thực hiện xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho tất cả người lao động.
Riêng về hoạt động xuất khẩu, năm nay ông Phương dự tính sản lượng xuất khẩu sẽ giảm, chủ yếu để giữ thị trường và kết nối thêm một số thị trường mới với sản lượng nhỏ.
Cũng trao đổi qua điện thoại với KTSG Online, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, cho biết dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến hoạt động tiêu thụ vải thiều gặp nhiều khó khăn.
Xử lý lô hàng tại nhà máy của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh: Cục BVTV cung cấp. |
Tuy nhiên, với thị trường Nhật Bản, bà Hồng cho rằng, năm nay sẽ thuận lợi hơn cho Việt Nam. Vì từ năm 2020, khi vải thiều lần đầu xuất khẩu sang thị trường này, đã có nhiều khách hàng đánh giá cao chất lượng các lô hàng.
Ngoài ra, việc vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cũng giúp người tiêu dùng tại thị trường này tin tưởng hơn vào sản phẩm.
Xem thêm: lmth.nab-tahn-gnas-gnoud-nel-gnas-nas-gnaig-cab-ueiht-iav-nat-51/356613/nv.semitnogiaseht.www