Ngày 24/5, công ty thành viên của Tập đoàn Masan công bố mua lại 20% cổ phần chủ quản của chuỗi cà phê - trà Phúc Long với trị giá 15 triệu USD. Còn chỉ vài ngày trước đó, The CrownX - pháp nhân liên quan đến Tập đoàn này và sở hữu chuỗi siêu thị VinMart cũng nhận khoản đầu tư 400 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba. Cộng với khoản đầu tư hơn 410 triệu USD mà công ty con VinCommerce đã huy động được từ tập đoàn SK Hàn Quốc, có thể thấy lượng vốn mà Masan huy động đã xấp xỉ cả tỷ USD. Một tập đoàn trong nước khác là Thaco cũng đang có thương vụ về bán lẻ thu hút sự chú ý là đã thỏa thuận mua lại 100% vốn mảng kinh doanh tại Việt Nam của nhà bán lẻ đầu ngành Hàn Quốc - Emart.
Bà Janice Leow, Giám đốc Điều hành Baring Private Equity Asia, nhà đầu tư vào The CrownX cho biết: "Là nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi tin rằng thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, được hỗ trợ bởi các xu hướng kinh tế vĩ mô thuận lợi và đặc biệt là lợi thế dân số trẻ. Chúng tôi ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, giàu tiềm năng trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt là thương mại điện tử và phân tích dữ liệu".
Doanh nghiệp Việt cạnh tranh khá sòng phẳng đối thủ ngoại trên thị trường bán lẻ
Theo nhà báo Chinh Vũ - phóng viên thường xuyên theo dõi mảng bán lẻ - thương mại điện tử, các thương vụ mới là những minh chứng mới nhất cho thấy doanh nghiệp Việt đang cạnh tranh khá sòng phẳng đối thủ ngoại trên thị trường bán lẻ. Nhà bán lẻ từ Hàn Emart sau 6 năm trời vẫn không thể mở thêm điểm bán mới tại Việt Nam thì với thương vụ bán lại cho Thaco, có thể nói là đã lùi lại một bước, thay vì tự làm thì đặt niềm tin vào năng lực phát triển của một doanh nghiệp nội. Các tập đoàn tài chính lớn tất nhiên không đầu tư vào hệ sinh thái VinMart của Masan nếu doanh nghiệp này làm không tốt. Từ tình trạng đang lỗ đến 100 triệu USD, năm 2020, chuỗi VinMart đã cải thiện doanh thu gần 15% và lần đầu có lãi trong năm 2020. Việc chuỗi này tìm được công thức sinh lời được nhận định là lý do quan trọng giúp thuyết phục nhà đầu tư.
Thương vụ VinMart - Phúc Long là để hai bên triển khai mô hình kiosk bán trà - cà phê trên mạng lưới hơn 2.200 điểm bán sẵn có của VinMart. Hiệu quả đến đâu thì chưa thể khẳng định nhưng cách làm này đi theo đúng xu hướng "cửa hàng trong cửa hàng" - "shop in shop", tận dụng triệt để diện tích mặt bằng để tối ưu hóa lợi nhuận. Trong thỏa thuận hợp tác với Alibaba, các cửa hàng VinMart thời gian tới cũng có thể được dùng để người dân giao hàng, nhận hàng online. Nhà bán lẻ Việt đang dùng nhiều cách để sinh lời tốt hơn, bắt tay hợp tác là một giải pháp quan trọng. Nhà bán lẻ lớn khác là Saigon Coop mới đây cũng thành lập ra một liên minh hợp tác chưa từng có tiền lệ với công ty tài chính nhà nước và cơ quan thương hiệu, để tạo thế "kiềng ba chân" - hỗ trợ vốn, đầu ra và thương hiệu cho doanh nghiệp sản xuất nội để gia tăng sức cạnh tranh trước sức nóng từ đối thủ ngoại.
Để ngỏ khả năng doanh nghiệp ngoại "đi tắt đón đầu" thông qua M&A
Trên thị trường bán lẻ hiện đại hiện nay, nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm thị phần ít hơn doanh nghiệp nội. Theo công ty nghiên cứu Kantar Worldpanel, hai cái tên ngoại lớn nhất là Tops Market và Lotte mart lần lượt chiếm 3,8% và 1% thị phần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội như Coop mart chiếm 5,4% thị phần, VinMart chiếm 1,7%, Bách hóa xanh chiếm 1,4%. Dù vậy, với những thương vụ M&A tỷ đô gần đây, giới chuyên gia cho rằng, khả năng doanh nghiệp ngoại "đi tắt đón đầu" để lật ngược thế cờ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong khuôn khổ thương vụ nhóm nhà đầu tư gồm Tập đoàn Alibaba mua 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành The CrownX, công ty con của Masan này sẽ hợp tác với nền tảng thương mại điện tử sẵn có của Alibaba tại Việt Nam là Lazada để tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ trực tiếp đến trực tuyến, còn gọi là offline to online O2O, giúp nhà bán lẻ Việt nâng tỷ trọng kênh bán trực tuyến lên 5%.
Giới quan sát cho rằng, kênh bán hàng trực tuyến tương lai cũng sẽ là điểm "dễ tổn thương" của doanh nghiệp bán lẻ trong nước, là mục tiêu để khối ngoại mua bán sáp nhập để nâng thị phần.
Ông Nguyễn Thanh Tuần, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, CTCK VNDIRECT chia sẻ: "Tôi nghĩ rủi ro các chuỗi thương mại điện tử lớn ở nước ngoài thâu tóm các chuỗi thương mại điện tử trong nước là có bởi vì các trang thương mại điện tử mở rộng độ phủ của họ nhanh, tuy nhiên họ chưa tìm được điểm sinh lời, vẫn đang liên tục đốt vốn. Vì vậy, sớm hay muộn các chuỗi nhỏ cũng sẽ bán mình hoặc giải thể như đã từng xảy ra".
Trong khi đó, ông Đào Phước Toàn, chuyên viên phân tích doanh nghiệp bán lẻ, CTCK Rồng Việt cho biết: "Trong tương lai, yếu tố cạnh tranh lớn nhất vẫn là cung cấp trải nghiệm cho khách hàng thông qua đa dạng hóa sản phẩm cũng như các dịch vụ online, giao hàng đến khách hàng, bên nào làm tốt hơn sẽ chiếm được thị phần và sẽ đạt điểm hòa vốn tốt hơn".
Một số chuyên gia thì cho rằng, với một thị trường hấp dẫn nhà đầu tư ngoại như bán lẻ như việc các thương vụ mua bán sáp nhập là tất yếu, đôi khi là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Th.S Nguyễn Kim Đức, nhà nghiên cứu mua bán - sáp nhập, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Thực tế nỗi lo về doanh nghiệp bị thâu tóm đã xuất hiện cách đây 12 năm, nhưng thực tế thị trường đến thời điểm này đã xóa đi nỗi lo này. Nếu như trước đây giá trị cộng hưởng được xem là đích đến của các bên làm M&A, thì giờ đây các bên phải cùng nhau kiến tạo giá trị cộng hưởng này. Đây là vấn đề được quan tâm mới. Do đó, theo tôi vấn đề cần quan tâm không phải là lo ngại mà phải chú trọng đến cách thức hợp tác bắt tay trong M&A".
Thực tế so với thời điểm trước thị trường bán lẻ hiện đại lo ngại bị khối ngoại lấn át, 5 năm qua lại xuất hiện nhiều thương vụ nhà bán lẻ Việt mua lại chính các chuỗi nước ngoài như VinMart mua lại Fivimart hay SG Coop mua lại Auchan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!