Trong một tháng qua, đa phần các đồng tiền số đã mất một nửa giá trị nếu so đỉnh cao nhất với đáy thấp nhất. Chẳng hạn như Bitcoin, vào giữa tháng 4, đồng tiền này có giá 65.000 USD, đỉnh mọi thời đại. Tuy nhiên, vào tháng 5, Bitcoin có lúc giảm xuống gần 30.000 USD, tương đương mức sụt giảm 54%.
Dẫu vậy, cú sập này vẫn có những lợi ích với một bộ phận nhà đầu tư tiền số. Họ có thể bán khi lỗ và sử dụng khoản lỗ đó để giảm hoặc loại bỏ thuế thu nhập với các khoản đầu tư thắng lợi. Sau đó, họ có thể nhanh chóng mua lại tiền số mà họ đã bán để không bỏ lỡ đợt tăng giá tiếp theo.
Trên thị trường chứng khoán, người ta cho phép các nhà đầu tư sử dụng khoản lỗ của một hoặc nhiều cổ phiếu để bù trừ cho các khoản lãi chịu thuế khác. Tuy nhiên, nhà đầu tư chứng khoán không được phép mua lại những cổ phiếu đó trong 30 ngày. Nếu vi phạm, họ sẽ bị phạt.
"Có thể nói đây là lỗ hổng", Ivory Johnson, một nhà lập kế hoạch tài chính và là người sáng lập Delancey Wealth Management ở Washington, nói. Lỗ hổng mà Johnson chỉ ra tới từ việc các cơ quan quản lý không coi tiền số là "chứng khoán". Thay vào đó, Sở thuế vụ (IRS) đánh thuế chúng như tài sản.
Chính việc xử lý thuế khiến việc đầu tư vào các loại tài sản dễ bốc hơi như tiền số trở nên ổn định. Cụ thể, nếu một nhà đầu tư Bitcoin mua giá cao, bán giá thấp và chịu khoản lỗ 35.000 USD, người này cũng có thể bán cổ phiếu hoặc quỹ tương hỗ với một khoản lãi tương đương là 35.000 USD. Khi đó, họ sẽ không phải chịu thuế.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhà đầu tư này có thể nhanh chóng mua lại Bitcoin ở mức giá gần với mức giá vừa bán. Như vậy, anh ta sẽ không bỏ lỡ bất cứ cú tăng nào trong khi khoản lãi 35.000 USD của cổ phiếu và quỹ tương hỗ lại không phải chịu thuế. Nó khác hoàn toàn so với việc phải chờ 30 ngày để được phép mua lại tài sản vừa bán.
Thực sự, nếu một người bán Bitcoin ở đáy gần 30.000 USD để né thuế và mua lại ngay sau đó, họ đã thu quả ngọt. Ở thời điểm hiện tại, Bitcoin được giao dịch với giá 38.767 USD/coin, cao hơn gần 30% so với đáy gần đây. Đây vẫn là đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Sở thuế vụ Mỹ hiện không bình luận về thông tin này. Ủy ban Chứng khoán Mỹ cũng chưa lên tiếng.
Cú sập vừa qua của Bitcoin bắt nguồn từ tuyên bố của tỷ phú Elon Musk, người nói rằng Tesla ngừng chấp nhận sử dụng Bitcoin làm phương thức thanh toán khi mua xe vì lý do môi trường. Sau đó, tin đồn cho rằng Elon Musk có thể đã bán số Bitcoin của Tesla tiếp tục khiến đợt tắm máu trở nên nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những thông tin sau đó đã khiến tiền số phục hồi trở lại. Dẫu vậy, ảnh hưởng của Elon Musk lên Bitcoin đã không còn quá lớn. Dòng thông điệp gần nhất của vị tỷ phú này, trong đó thể hiện ủng hộ Bitcoin được khai thác bằng năng lượng tái tạo, đã không thể tạo ra cú bùng nổ.
Xem thêm: nhc.86583229062501202-taul-hcal-ut-uad-ahn-ed-euht-gnoh-ol-ol-mal-nioctib-pas-uc/nv.fefac