Khi CEO của công ty mẹ của Vimeo đang nhấp một ngụm cà phê thì điện thoại của ông đổ chuông. Đó là Anjali Sud, người thuộc bộ phận marketing của Vimeo. Cô nói: "Tôi không nghĩ chúng ta nên cạnh tranh với YouTube và Netflix vì chúng ta không thể đánh bại họ".
Vị CEO mỉm cười, mời Anjali nói tiếp. Cô trình bày: "Hãy chơi một trò chơi khác! Ông nghĩ sao về việc chuyển từ một nền tảng giải trí sang công cụ cho các nhà sản xuất video?".
CEO này lại mỉm cười và nghĩ đến việc cho Anjali quản lý một nhóm nhỏ để thử nghiệm ý tưởng trên. Khi đó, ông không biết rằng đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất mình từng đưa ra.
Từ "người anh em của YouTube" tới ứng dụng ‘must-have’ với nhà sản xuất video
Vimeo bắt đầu như một phiên bản YouTube không có quảng cáo. Mục tiêu là thu hút càng nhiều nhà sản xuất video càng tốt để họ cung cấp nội dung gốc cho nền tảng. Nội dung càng nhiều, người xem càng tăng lên. Từ đó, Vimeo sẽ thiết lập mô hình đăng ký tương tự Netflix.
Kế hoạch kinh doanh của Vimeo có vẻ rất sáng sủa, ngoại trừ việc nó… bất khả thi. Vimeo không có cách nào để cạnh tranh với các ông lớn khác về nội dung gốc. Thu nhập hàng năm của công ty ở mức dưới 40 triệu USD trong khi Netflix, HBO và Amazon đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc tạo nội dung cho người xem. Đây là một con số quá lớn với Vimeo.
Vì thế, công ty chỉ còn 2 lựa chọn: một là cho phép quảng cáo như YouTube, hai là lụi tàn dưới sức ép của các gã khổng lồ. Nhưng đến khi Anjali trình bày ý tưởng của mình, cô đã cho Vimeo lựa chọn thứ ba.
Cùng nhóm của mình, Anjali đã định hình lại Vimeo thành một bộ công cụ dành cho các nhà làm phim độc lập, doanh nghiệp và người sáng tạo nội dung.
Nền tảng Vimeo mới bao gồm 2 phần chính: Studio cho phép người dùng tạo các mẫu tùy chỉnh, tổ chức sự kiện trực tiếp. Phần thứ hai là lưu trữ tất cả video trong một địa chỉ kỹ thuật số và phân phối chúng trên các phương tiện truyền thông xã hội tùy ý. Quan trọng nhất là Vimeo vẫn không có quảng cáo – điều giúp các tính năng của nó trở nên hoàn hảo cho những doanh nghiệp không muốn video bị gián đoạn.
Giờ đây, khi nhìn vào những tính năng mới của Vimeo, không có gì ngạc nhiên khi Anjali được đề bạt làm CEO của Vimeo. Trong 4 năm liên tiếp, cô đã đưa một công ty thất bại thành một công ty thành công với mức định giá vào tháng 1 năm nay lên tới 6 tỷ USD. Thậm chí, Bank of America còn ước tính định giá của Vimeo khoảng hơn 10 tỷ USD.
Tính đến tháng 12/2020, Vimeo ghi nhận doanh thu tăng 57% so với năm trước, có hơn 200 triệu người dùng trên toàn cầu và 1,5 triệu người đăng ký trả phí.
Cách đây không lâu, Vimeo đã trở thành chủ đề được các nhà đầu tư quan tâm khi Anjali cho biết công ty dự kiến sẽ tách khỏi công ty mẹ và IPO trong năm nay. Ngoài ra, Vimeo đang thu hút nhiều người dùng hơn trong bối cảnh nhiều nước vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Anjali chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: "Là một phụ nữ, một người mẹ và CEO, tôi cảm thấy mình khá đặc biệt và muốn mang ý tưởng của mình đến với thế giới công nghệ".
Nguồn: EH
Gia Vũ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị