Kể từ 12h ngày 25/5/2021, Hà Nội tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh cho đến khi có thông báo mới.
Các dịch vụ phải tạm dừng hoạt động gồm: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Ngay lập tức, các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê nhanh chóng chuyển trạng thái để thích nghi với tính hình mới.
Theo khảo sát của PV Infonet, hầu hết các chủ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đều cho biết, họ không cảm thấy bị động bởi đã quen với việc chỉ bán mang về từ những đợt bùng phát dịch trước đó.
Anh Nghĩa Hoàng, chủ nhà hàng đặc sản cá sông có địa chỉ tại KĐT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nhà hàng của anh đã quen với việc nhận đặt bàn qua điện thoại hoặc fanpage rồi vận chuyển tận nhà cho khách, nên không cảm thấy bất ngờ trước yêu cầu này và sẵn sàng chuyển trạng thái.
Mặc dù vậy, sự sống còn của các cơ sở dịch vụ ăn uống lại phụ thuộc vào việc khách hàng có sẵn sàng gọi món phục vụ tại nhà hay không.
Đồ ăn của nhà hàng đặc sản cá sông ở Cầu Giấy được chuẩn để ship tận nhà cho khách.
“Thời gian qua các gia đình ưu tiên ăn uống tại nhà nên lâu nay cũng ít có khách đặt hàng. Đa phần các nhà hàng thuộc phân khúc như chúng tôi đều đã đóng cửa từ trước.
Hệ thống nhà hàng của chúng tôi gần như là trụ lại cuối cùng rồi. Do lượng khách thấp nên thời điểm này chúng tôi đã phải rất cố gắng để duy trì mục tiêu lỗ thấp nhất có thể nhằm giữ chân khách quen và đảm bảo cho nhân viên có được thu nhập chút ít”, anh Nghĩa Hoàng chia sẻ.
Cũng theo chủ nhà hàng đặc sản cá sông này, phí thuê mặt bằng và chi phí nhân viên chiếm phần lớn chi phí hoạt động nên không riêng gì nhà hàng của anh mà hầu như nhà hàng nào còn đang trụ lại thì cũng đã gần như không đủ sức nữa, nhất là với tình trạng vừa hoạt động vừa lo đóng cửa chống dịch như hiện nay.
“Nếu tình hình không cải thiện thì chúng tôi chỉ có thể cầm cự được 2-3 tháng nữa. Còn xác định nếu đóng cửa hẳn một tháng để dập dịch thì sau đó còn có cơ hội phục hồi”, anh Nghĩa Hoàng nói.
Đáng chú ý, thời điểm Hà Nội tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trùng vào dịp Phật đản, các cơ sở bán đồ ăn chay cũng tăng cường bán hàng online.
Tranh thủ thời gian nghỉ làm vì dịch bệnh Covid-19, chị Hoàng Thu Trang, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cũng bắt tay vào làm và bán online các món chay để phục vụ khách hàng dịp này.
Chị Trang cho biết, các món chay do nhà chị tự chế biến được bán với giá phải chăng nên được nhiều khách quen và bạn bè giới thiệu. Cụ thể, phở chay 30.000 đồng/bát, pizza chay 70.000 đồng/chiếc, cốm xào 30.000 đồng/đĩa, ruốc nấm 15.000 đồng/lạng, nem chay 10.000 đồng/chiếc,….
Với các cơ sở kinh doanh đồ uống, việc tạm dừng bán hàng tại chỗ khiến họ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, nhưng đây là quyết định cần phải làm để chung tay cùng Thủ đô chống dịch.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, chủ một cửa hàng cà phê tại quận Hà Đông cho biết: “Chúng tôi ủng hộ và đồng tình với quyết định này của thành phố.
Như thế mới công bằng cho những người bán cà phê cho chúng tôi, bởi hồi tháng 2 thành phố yêu cầu các quán cà phê tạm dừng hoạt động nhưng lại không cấm tụ tập ở các quán nhậu, trong khi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các quán nhậu thậm chí còn lớn hơn quán cà phê”.
Nói về khả năng bám trụ lại với thị trường, chị Nhung cho hay việc bán hàng online cũng chỉ là giải pháp tình thế. “Thôi thì được đồng nào hay đồng ấy, chi phí lớn nhất vẫn là thuê mặt bằng. Nếu được hỗ trợ thì sẽ duy trì được tiếp, còn không thì sẽ không hẹn ngày trở lại nếu chỉ trông chờ vào việc bán online”, bà chủ cửa hàng cà phê ở Hà Đông chia sẻ thêm.
Xem thêm: mth.30255221162501202-hcid-teh-ohc-uc-mac-ol-gnohc-hnim-gnog-na-nauq-gnah-ahn/nv.ahos