ĐH Quốc gia TP.HCM vừa có thông báo về việc giải quyết đơn kiến nghị của 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học của Trường ĐH KHXH&NV.
Được biết, ĐH Quốc gia TP.HCM lập tổ xác minh và bắt đầu thực hiện từ ngày 4-3 sau khi nhóm giảng viên nay không đồng ý với kết quả xác minh của nhà trường.
Theo thông báo này, ĐH Quốc gia TP.HCM tiến hành xác mình ba kiến nghị quan trọng với nhiều vấn đề nhỏ liên quan đến việc bổ nhiệm cũng như công tác quản lí của Trưởng khoa Hàn Quốc học là bà Nguyễn Thị Phương Mai.
Kết quả xác minh từng kiến nghị như sau:
Đối với kiến nghị việc bổ nhiệm Trưởng khoa chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, Trường ĐH KHXH&NV đã thực hiện theo sự phân cấp của ĐH Quốc gia TP.HCM về thẩm quyền bổ nhiệm các vị trí quản lý của đơn vị.
Trường đã ban hành các quy định về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với vị trí quản lý và triển khai việc bổ nhiệm các vị trí quản lý một cách công khai, dân chủ từ Đảng ủy cơ sở đến Chi ủy của khoa, Ban chủ nhiệm khoa và tập thể giảng viên khoa Hàn Quốc học.
ĐH Quốc gia TP.HCM xét thấy bà Nguyễn Thị Phương Mai được trường bổ nhiệm làm Trưởng khoa Hàn Quốc học đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện và các quy định của pháp luật và của đơn vị.
Thứ hai, đối với kiến nghị về việc Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo dẫn đến việc điều hành khoa Hàn Quốc học một cách độc đoán, chuyển quyền, tùy tiện, duy ý chí, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù đối với những giảng viên có chính kiến.
Ở kiến nghị này có 20 vấn đề nhỏ. Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận thấy chưa có đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo.
Như quy định vắng họp trên 30% xem như không hoàn thành nhiệm vụ đã được trưởng khoa nêu ra trong cuộc họp nhưng thực tế tiêu chí này không áp dụng vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên.
Hay như qua các minh chứng thu thập được và quá trình trao đổi trực tiếp với các nhân sự liên quan, không có cơ sở kết luận trưởng khoa có những câu từ khiến người tiếp nhận có cảm giác bị đe dọa….
Tuy nhiên, có một số vấn đề được xác minh là kiến nghị có cơ sở. Như Trưởng khoa không thông báo chính thức bằng văn bản về việc thay đổi quy trình mời giảng viên thỉnh giảng; công tác triển khai Chương trình chất lượng cao còn hạn chế;
ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, 11 giảng viên ký tên trong đơn kiến nghị và trưởng khoa Hàn Quốc học đều là những giảng viên có tâm huyết với trường, với khoa, luôn mong muốn xây dựng một khoa Hàn Quốc học vững mạnh và ngày càng có uy tín.
Trong quá trình điều hành, quản lý, Trưởng khoa có lập kế hoạch; trao đổi với người đồng cấp theo công việc phụ trách; tham vấn ý kiến từ quản lý cấp trên và các chuyên gia có kinh nghiệm.
Và theo tính chất công việc, tùy từng tình huống, Trưởng khoa tiến hành trao đổi với các giảng viên trong khoa hoặc đưa vấn đề ra thảo luận trong toàn khoa.
Trưởng khoa Hàn Quốc học thể hiện là một người tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định, quy trình của trường, lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu.
Tuy nhiên, chính những yếu tố “tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của trường, lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu” đã khiến Trưởng khoa đôi khi bị cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong xử lý một số tình huống, đặc biệt trong một số giao tiếp, làm việc với các nhân sự.
Trưởng khoa đã có quan tâm đến việc lắng nghe nhưng cách thể hiện lại chưa đủ tinh tế, chưa tạo được một không gian phù hợp để các bên thoải mái chia sẻ, và đôi khi chưa thể kiểm soát được những cảm xúc bộc phát không phù hợp.
Vì vậy, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận thấy chưa có đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo. Tuy nhiên, Trưởng khoa cần rút kinh nghiệm một cách sâu sắc từ sự việc này để có những cải tiến tốt hơn trong quản lý và điều hành công việc của khoa.
Trường ĐH KHXH&NV - nơi 11 giảng viên đồng loạt xin nghỉ việc. Ảnh: NGỌC PHƯƠNG
Đối với kiến nghị về việc Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa Hàn Quốc học: Kiến nghị này có hai vấn đề nhỏ liên quan.
ĐH Quốc gia TP.HCM xét thấy không có cơ sở để kết luận Trưởng khoa huy động nguồn tài trợ để đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các lễ hội không minh bạch. Vì quy chế thực hiện dân chủ của trường chưa quy định cụ thể những nội dung thuộc trách nhiệm công khai của trưởng khoa.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng không đủ minh chứng kết luận trưởng khoa cho phép công ty của một giảng viên Hàn Quốc gần gũi, thân thiết với mình để chiếm dụng, sử dụng văn phòng khoa vào mục đích cá nhân.
Liên quan đến việc giải quyết kiến nghị lần 1 của Trường ĐH KHXH&NV mà các giảng viên này không đồng ý trước đó: Theo kết luận của ĐH Quốc gia TP.HCM, trong quá trình giải quyết đơn kiến nghị của tập thể giảng viên khoa Hàn Quốc học, trường đã có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ ban giám hiệu trong việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh.
Việc triển khai giải quyết kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo quy trình và trường đã có kết luận giải quyết kiến nghị thông báo đến tất cả các bên có liên quan.
ĐH Quốc gia TP.HCM đề nghị trường tăng cường công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của viên chức, người lao động tại đơn vị, có giải pháp thông tin để không xảy ra việc kiến nghị, phản ánh vượt cấp; đồng thời, giám sát, đôn đốc trưởng khoa Hàn Quốc học trong việc thực hiện kết luận của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Như plo.vn đã thông tin, từ ngày 25-1, 12 giảng viên ở Khoa Hàn Quốc học của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đồng loạt xin nghỉ việc. Trong đó, một giảng viên đã rút đơn và tiếp tục hợp đồng với nhà trường. Theo nội dung phản ánh của nhóm giảng viên này, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ năng lực quản lý còn hạn chế, yếu kém, thiếu dân chủ và chuyên quyền của bà Nguyễn Thị Phương Mai (Trưởng khoa Hàn Quốc học) cũng như việc nhà trường bổ nhiệm “thần tốc” cho vị trí này. Kéo theo sau đó là cách giải quyết sự việc chưa thỏa đáng của nhà trường từ tháng 9-2020. Các giảng viên đã gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ và nhà trường tiến hành xác minh các kiến nghị của 11 giảng viên. Tuy nhiên, nhóm giảng viên không đồng ý với kết quả xác minh của nhà trường nên tiếp tục gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ. Thời gian đó, do các giảng viên nộp đơn nghỉ việc nên trong thời gian theo quy định, trường đã lần lượt ra các quyết định chấm dứt hợp đồng với các giảng viên. Đồng thời, trường có văn bản phê bình Trưởng khoa vì có những hạn chế trong công tác quản lý, đề nghị rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục. Đối với 11 giảng viên, trường đã ra văn bản phê bình vì thiếu sự tôn trọng tổ chức, làm ảnh hưởng uy tín của trường, có những chi tiết phản ánh sai sự thật khách quan. Để đảm công tác giảng dạy, Khoa Hàn Quốc học phải bố trí giảng viên khác đứng lớp thay những người đã nghỉ việc. Đồng thời điều chuyển giảng viên từ các đơn vị khác về (nhiều tiến sĩ tốt nghiệp ở Hàn Quốc) và tuyển dụng mới để bổ sung cho số giảng viên đã nghỉ việc. Sau đó, ngày 4-3, ĐH Quốc gia TP.HCM đã lập tổ xác minh và bắt đầu thực hiện xác minh lại sự việc theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. |