Xoài Úc khó tiêu thụ vì chưa xây dựng được mạng lưới tiêu thụ nội địa bài bản - Ảnh: MINH CHIẾN
Có đưa nhưng còn quá... mới
Hiện tại, vùng xoài Úc Cam Ranh (gồm TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm) có diện tích lớn nhất miền Trung, đang vào mùa chín rộ. Thế nhưng hàng ngàn tấn xoài đến kỳ thu hoạch vẫn nằm chờ trên cây vì giá quá thấp: loại 1 xuống còn 8.000 đồng/kg, loại 2 chỉ còn 6.000 đồng/kg, loại 3 còn 2.000 đồng/kg.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử là giải pháp đắc lực giúp người nông dân mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thời đại công nghệ số.
Tiêu biểu là mùa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) năm nay, Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada... đã khá thành công trong việc bán vải nhanh ra nhiều tỉnh thành.
Vậy thì vì sao không đưa xoài Úc Cam Ranh lên sàn thương mại điện tử? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Trung, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, cho hay hội vừa triển khai đưa xoài Úc Cam Ranh lên sàn thương mại điện tử voso.vn của Viettelpost.
Tuy nhiên, theo ông Trung để đưa xoài lên sàn điện tử cần phải tính toán và có lộ trình lâu dài mới đem lại hiệu quả. Thứ nhất, xoài khi bán trên sàn điện tử phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.
Thứ hai, xoài là mặt hàng tươi cần tiêu thụ nhanh vì vậy bên cung cấp và đơn vị vận chuyển phải phối hợp chặt chẽ sao cho hàng đến tận tay người tiêu dùng nhanh nhất. Trong khi đó, việc sử dụng công nghệ khiến nhiều nông dân loay hoay, không phải nông dân nào cũng rành công nghệ và phải tập huấn trước.
Xoài Úc Cam Lâm trên sàn thương mại điện tử voso.vn - Ảnh: Chụp màn hình
Còn ông Huỳnh Kim Khánh, giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, cũng cho hay dự kiến trong tháng 6-2021, trung tâm của ông phối hợp cùng các sở, ngành cho ra mắt trang thông tin điện tử "Chợ nông sản Khánh Hòa" để thông tin, quảng bá các nông sản của tỉnh.
Từ đó các doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể dễ dàng liên hệ đến các hộ trồng trọt để đặt hàng, tạo đầu ra cho người dân.
"Địa phương còn,,, thụ động"
Nhiều nhà nông mong muốn có nhà máy chế biến chuyên nghiệp để thu mua, tạo đầu ra cho trái xoài - Ảnh: MINH CHIẾN
Để "giải cứu" xoài Úc Cam Ranh, ông Lê Đình Cường - trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, cho hay huyện đang phối hợp các chuỗi cửa hàng, siêu thị hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con.
Các đơn vị như: Công ty TNHH một thành viên EMU (Cam Lâm), Công ty TNHH Vạn Hương (TP Nha Trang), Hợp tác xã xoài Cam Hải Tây cũng đang nỗ lực thu mua hỗ trợ cho người dân.
Hiện trên địa bàn huyện, có 2 nhà máy chế biến xoài nhưng công suất còn thấp, không thể giải quyết lượng xoài khổng lồ của huyện được.
"Chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh (Nhà máy Đường Việt Nam, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa…) nghiên cứu, lắp đặt dây chuyền chế biến sản phẩm xoài nhằm tiêu thụ nguồn xoài của địa phương", ông Cường nói
Ý kiến của nhiều người cho rằng việc xoài Cam Ranh bị ùn ứ không biết bán cho ai đã tồn tại mấy mùa rồi nhưng các giải pháp của các cơ quan chức năng địa phương vừa chậm lại vừa kém hiệu quả.
"Địa phương cần đầu tư nhiều hơn và có những động thái quyết liệt hơn nữa để giúp người dân trồng xoài, thay vì thụ động như lâu nay, để rồi mỗi khi mùa xoài đến lại phải tiếp tục loay hoay "giải cứu"- một bạn đọc, góp ý.
Không dám chở xoài vô Sài Gòn
Trước tình trạng xoài Úc Cam Ranh không ai mua, nhiều bạn đọc cũng đã "mách nước" cho bà con trồng xoài: Sao không thuê xe chở xoài vào Sài Gòn bán (đang có giá khoảng 25- 30 ngàn đồng)?
Bà Đào Thị Mỹ Nga (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm), còn hơn 3 tấn xoài Úc và Hòa Lộc đang chuẩn bị vào kỳ thu hoạch, nói: "Vợ chồng tôi cũng định làm chiếc xe tải nhỏ chở xoài ra Nha Trang hay Bình Thuận, Sài Gòn... để bán nhưng đi rồi vườn không ai chăm.
Chưa kể đến đó mình là tay ngang, không có mối làm ăn, rồi khách chủ yếu là khách lẻ, khách vãng lai họ thương tình mua một, hai lần chứ không thể mua hoài được, trong khi công ngồi bán, chi phí đi lại tốn không ít.
Thay vào đó, nếu bán cho các vựa dù giá thấp nhưng 4,5 tấn xoài giải quyết được luôn trong ngày, còn chất 1 tấn xoài lên xe Sài Gòn chưa biết hôm đó có bán hết hay không, rồi quá trình bán xoài bị hư hỏng nên tôi đành thôi".
TTO - Người trồng xoài vùng Cam Ranh (Khánh Hòa), nơi được xem là 'thủ phủ' xoài ở miền Trung, đang điêu đứng vì dịch COVID-19 khi xoài chín đầy cây nhưng không dám hái vì không biết xuất bán đi đâu.
Xem thêm: mth.31050749062501202-ut-neid-iam-gnouht-nas-nel-hnar-mac-cu-iaox-aud-gnohk-oas/nv.ertiout