Theo số liệu khảo sát sơ bộ về mức sống cư dân năm 2020 do Tổng cục thống kê công bố mới đây, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Cuộc khảo sát được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, bao gồm 46.995 hộ gia đình đại diện.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh này đạt mức 7,02 triệu đồng mỗi tháng, cao hơn 2 đô thị lớn nhất là Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các tỉnh thành xếp liền sau là Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Thu nhập bình quân tháng của cả nước hiện là 4,23 triệu đồng.
Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, thu nhập của người dân là một trong những chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng nhất khi đánh giá thành tựu kinh tế xã hội của địa phương này.
Số liệu từ năm 1995 đến 2020 cho thấy, dân số Bình Dương đã tăng hơn 260%, mức tăng này cao gấp gần ba lần địa phương liền kề về địa lý là Kon Tum và gấp hơn hai lần các địa phương xếp thứ 3 và thứ 4 (TP.HCM và Bình Phước).
Nhờ đâu Bình Dương có được những thành tựu nổi bật như vậy?
Thủ phủ công nghiệp của cả nước
Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp lớn. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721 ha. Trong đó có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021ha, chiếm ¼ diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%.
Hiện các khu công nghiệp đã thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng. Hầu hết các DN lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các khu công nghiệp tập trung.
Bình Dương vốn là tỉnh đầu tiên phát triển mô hình khu công nghiệp tại Việt Nam. Từ những năm 1990, nhìn thấy được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc có đất để kinh doanh, sản xuất, ông Huỳnh Uy Dũng, chủ tịch CTCP Đại Nam tiên phong phát triển các khu công nghiệp như Bình Đường, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2. Ông Dũng cũng góp ý cho ban lãnh đạo tỉnh Sông Bé (ngày nay là Bình Dương) tổ chức mời các doanh nghiệp đến dùng cơm và kêu gọi đầu tư.
Thời điểm này cả tỉnh Sông Bé chỉ có 1 trạm điện công suất thấp phục vụ cho toàn tỉnh. Ông Dũng mạnh dạn đề xuất ngành điện đầu tư 2 trạm điện đồng thời ứng tiền cá nhân để xây dựng. Số tiền theo lời ông Dũng lên tới hàng triệu đô la. Bên cạnh làm điện, ông cùng 2 lãnh đạo doanh nghiệp lớn khác tại tỉnh Sông Bé lúc này cùng nhau trở thành mũi nhọn làm cơ sở hạ tầng và kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư. Từ đây các khu công nghiệp tại Bình Dương phát triển và lan rộng mô hình ra cả nước.
Cải cách môi trường đầu tư, thủ tục hành chính
Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 cho thấy Bình Dương vượt 9 bậc, từ hạng 13 (năm 2019) vươn lên xếp thứ 4, lọt vào top 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng PCI năm 2020. PCI là một chỉ số của hành động, thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
"Tôi đánh giá cao tỉnh Bình Dương thật sự đã tạo một vùng đổi mới sáng tạo. Tỉnh không chỉ tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng mà quan trọng đã xây dựng một hệ sinh thái tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến. Tôi tin tưởng thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy các lợi thế của mình để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh", tiến sĩ Vũ Tiến Lộc- chủ tịch VCCI từng đánh giá tích cực về Bình Dương.
Năm 2020 dù trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của Bình Dương tăng 6,19% so với năm 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,02%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 133.568 tỷ đồng, tăng 11,6%, tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 1,85 tỷ USD, vốn đầu tư trong nước đạt hơn 70.000 tỷ đồng. Thu FDI lũy kế đến nay đạt 35,8 tỷ USD với 3.960 dự án, xếp thứ ba cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Những thành tựu nói trên là nỗ lực, cố gắng của địa phương này trong việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, các sở, ban, ngành đã tiếp nhận gần 168.000 hồ sơ thủ tục hành chính, tăng 39.440 hồ sơ, trong đó đã giải quyết đúng hạn gần 160.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,85%, góp phần giải quyết nhanh các nhu cầu của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Bình Dương thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch và thực hiện tốt các thủ tục hành chính công mức độ 3 và 4.
Năm 2020, hơn 50% số hồ sơ mà người dân, doanh nghiệp không cần đến trực tiếp Trung tâm Hành chính công tỉnh vẫn giải quyết được thủ tục hành chính. Trong đó, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 99,4%, tăng 33,4% so với năm 2019. Người dân và doanh nghiệp giảm được chi phí về thời gian và chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, tỉnh này đã tích cực rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết với 86 thủ tục, trong đó cấp tỉnh giảm 71 thủ tục; cấp huyện giảm 13 thủ tục; cấp xã giảm 2 thủ tục so với năm 2019.
Thảo Nguyên (Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị