KTSG số 22-2021: Chuẩn bị cho thuế bất động sản
Tòa soạn KTSG
(KTSG Online) - Đã có nhiều ý kiến đề xuất đánh thuế đất cũng như bất động sản để hạ nhiệt cơn sốt giá có khả năng biến thành bong bóng tài sản đe dọa nền kinh tế.
Nhưng theo tác giả Trần Hùng Sơn trên KTSG sáng mai (27-5) trong bài viết tựa đề Thuế bất động sản - vẫn còn nhiều việc phải giải quyết, để thực hiện được ý tưởng này, trước tiên cần giải quyết một số vấn đề liên quan việc xây dựng các chính sách thuế, bao gồm xác định cơ sở thuế, thuế suất, định giá bất động sản, quản lý thuế…
Cũng về chuyện đánh thuế bất động sản, bài viết Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch đánh thuế bất động sản của Lạc Diệp cho biết giới chức Trung Quốc vừa phát đi một tín hiệu rõ ràng về việc đẩy mạnh kế hoạch áp thuế bất động sản. Động thái này diễn ra trong tình trạng đầu cơ ngày càng gia tăng trên thị trường nhà đất và các chính quyền địa phương tại nước này đang tích cực tìm kiếm thêm nguồn thu ngân sách.
Các đề tài khác trên cùng số báo:
Chỉ có kiến thức mới đẩy lùi được bóng tối (mục Ý kiến): Mọi người, mà nhiều nhất là nhóm học sinh sinh viên, đang phải đương đầu với ngày càng nhiều tệ nạn trên không gian mạng. Cần có nhiều chương trình truyền bá kiến thức giúp mọi người tự bảo vệ mình. Và trường học là nơi khởi đầu rất tốt để trang bị kiến thức cho học sinh sinh viên, để từ các em lan tỏa đến gia đình và xã hội.
Mục tiêu kép phải đi đôi với chiến lược tiêm vaccin (Tấn Đức): Không thể có sự thành công chắc chắn cho mục tiêu kép – vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - nếu không có sự trợ giúp của vaccin.
Nghịch lý và hơi lạ ở nền kinh tế Việt Nam (Bùi Trinh): Việt Nam là quốc gia phải cần một lượng vốn lớn mới tạo ra tăng trưởng. Lợi nhuận của khâu sản xuất trong nền kinh tế là rất thấp.
Ngân hàng bán bảo hiểm có vi phạm Luật Cạnh tranh? (TS. Phạm Hoài Huấn): Câu hỏi đặt ra là việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm trong bán bảo hiểm (bancassurance) có phù hợp với pháp luật và có đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng?
Bông sợi và lao động cưỡng bức: Cảnh báo cho hàng dệt may Việt Nam (Dương Văn Học): Việt Nam cần lựa chọn những nguồn cung nguyên liệu có xét tới “vấn đề lao động cưỡng bức” để tránh những rắc rối thương mại, chẳng hạn như lệnh WRO (Withhold Release Order) mà người khổng lồ Fast Retailing Uniqlo vừa gặp phải.
Sở hữu kỳ nghỉ “kiểu mới” và… rủi ro mới (Lê Thị Bích Chi - Trương Trọng Hiểu): Sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ” trên thị trường đã được hiểu là những bất động sản căn hộ - du lịch. Điều bất ngờ là các đơn vị đang chào mời những sản phẩm này lại không cần… sở hữu khách sạn.
Chứng khoán tuần qua: VN-Index tiếp cận lại vùng đỉnh, nhưng rồi khối ngoại cứ bán ròng (Thanh Thủy).
Lên kế hoạch phát hành trái phiếu khủng - ngân hàng cần tiền để làm gì? (Tuệ Nhiên): Không ít ngân hàng tìm cách mua lại các trái phiếu lãi suất cao đã phát hành trước đây, rồi tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất thấp, nhằm tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào.
Lại hào hứng với sóng thoái vốn (Triêu Dương): Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách thoái vốn lần này có lợi thế sở hữu nhiều đất vàng với diện tích lớn nên được nhà đầu tư đánh giá là khá hấp dẫn, dù hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng với quy mô và vị trí đang có.
Nhiều yếu tố hỗ trợ ngành logistics cảng biển (Linh Trang): Hoạt động sản xuất của Việt Nam có xu hướng phục hồi mạnh kể từ cuối năm 2020 đang là tín hiệu hỗ trợ tích cực đối với ngành cảng biển.
“Cuộc chơi mới” của Tài chính Điện lực (Hải Lý): Một số cổ phiếu tốt bị “lãng quên” bởi nằm trên sàn UpCom và đang bị đánh giá quá rẻ, như cổ phiếu của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVF).
Điểm nhấn chính sách tiền tệ những tháng đầu năm 2021 (Phạm Minh): Những tháng đầu năm nay cho thấy sự linh hoạt của việc điều hành một chính sách tiền tệ đa mục tiêu. Song những rủi ro của tài chính quốc tế có thể trở thành áp lực cho chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm.
Nhận diện áp lực cho chính sách tiền tệ nửa cuối năm 2021 (Phạm Minh): Những rủi ro đó là lạm phát, tăng trưởng tín dụng và những động thái “diều hâu” của Fed.
Thông tin cá nhân có phải là hàng hóa để mua bán không? (Châu Phan): Người dân bức xúc về việc thông tin cá nhân bị mua bán, nhưng liệu pháp luật hiện hành có cấm mọi hành vi mua bán, trao đổi thông tin cá nhân hay không?
Giải bài toán “sốt đất”: Một yếu tố rất căn bản vẫn chưa được đụng chạm tới (Nguyễn Tiến Lập): Chỉ có sửa Luật Đất đai với một tinh thần khác với các lần sửa đổi trước đây và phải thật sự đột phá thì mới tạo ra điều kiện cần và tiên quyết để giải bài toán “sốt đất”.
Từ sân golf Đak Đoa - phải chăng muốn phát triển thì phải hy sinh rừng? (Lê Quỳnh): Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) với tổng điện tích là 174 héc ta, trong đó có 156 héc ta rừng thông gần 50 tuổi được chuyển đổi mục đích sử dụng để nhường chỗ cho sân golf 36 lỗ này.
Lựa chọn nhà lãnh đạo kế thừa: Những thiếu sót điển hình của “hạt giống” (Thanh Phương): Zenger Folkman - một tổ chức quốc tế về nghiên cứu khả năng lãnh đạo - đã phát hiện các nhóm lãnh đạo hạt giống trong các doanh nghiệp có 5 thiếu sót điển hình về: tầm nhìn chiến lược, kỹ năng giao tiếp, tốc độ, khả năng truyền cảm hứng và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.
Tour vaccin và chuyện du lịch “sống” với dịch (Đào Loan): Liên quan đến tour đưa người Việt sang Mỹ tiêm vaccine, có luồng ý kiến đáng quan tâm cho rằng ngành du lịch cần giải bài toán về vận hành trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài.
Cần nhanh chóng bịt các lỗ hổng pháp lý (TS. Võ Duy Nghi): Hiện các hành vi vi phạm về thương mại điện tử thường không bị xử lý là do không đủ bằng chứng hoặc quá rắc rối vì các chế tài liên quan đến nhiều bộ luật.
Luật bảo vệ môi trường - trở ngại với người này, điều cổ vũ với người khác (Phan Thị Ngọc Thắng): Không dễ đưa những quy định của Luật Bảo vệ môi trường như phân loại rác, hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, dùng sản phẩm tái chế… vào đời sống đại đa số người dân. Nhưng đây lại đang là một điều rất bình thường trong cộng đồng những người có lối sống mới.
Khởi nghiệp bằng cây sen trắng Huế (Đỗ Quang Tuấn Hoàng): Dự án Mộc Truly Hue’s do Phạm Thị Diệu Huyền sáng lập và triển khai không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, phát triển loài sen trắng bản địa Huế từng gắn với ẩm thực cung đình nhà Nguyễn.
Khi nào mới hết “rình rình ăn gian”? (Long Châu): Chuyện các hãng hàng không không trả lại phí sân bay và phí soi chiếu an ninh cho những khách hoàn, hủy vé máy bay là một biểu hiện của tư duy ăn mảnh.
Xây dựng thương hiệu thành phố: Đâu cứ phải là trung tâm tài chính (Thanh Thảo): Chính lối sống, cách đối nhân xử thế của người Đà Nẵng mới là cốt lõi tạo nên một “thành phố thân thiện”. Sự thân thiện – đó cũng là một thương hiệu của thành phố.
Ai cũng có chỗ của mình (Nguyễn An Nam): Đến lúc người thưởng thức dần quen với việc chấp nhận sự khác biệt về gu thẩm mỹ, để không áp đặt hay xem thường khi ai đó nghe nhạc khác mình, xem phim khác mình, đọc sách khác mình.
Từ khóa tâm lý đại dịch Covid-19: #languishing (Nguyên - Kan): Đại dịch kéo dài, con người cảm giác chán nản, uể oải vì mắc kẹt lâu trong một tình huống không mấy dễ chịu Nhà tâm lý học Adam Grant gọi hiện tượng tâm lý này là “languishing”.
Tản văn Đi bộ với vợ (Khánh Hưng); Dừa nước quê nhà (Phong Dương).
Trang Kinh tế thế giới:
Sau tuần lễ lao dốc, tương lai nào chờ đợi tiền số? (Song Thanh): Sau thời gian bùng nổ, thị trường tiền kỹ thuật số lại vô đà bán tháo, làm dấy lên sự nghi ngại đối với tương lai của đồng tiền này.
Cuộc đua Lithium (Nguyễn Vũ): Khi các hãng ô tô bắt đầu cuộc đua sản xuất xe hơi điện thì họ cũng gián tiếp khởi xướng cuộc đua khai thác Lithium – nguyên liệu chính chế tạo pin làm nguồn năng lượng cho xe.
Mời bạn đọc đón xem!
Xem thêm: lmth.nas-gnod-tab-euht-ohc-ib-nauhc-1202-22-os-gstk/886613/nv.semitnogiaseht.www