Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình, nhằm thay thế Nghị định 167/2013 của Chính phủ.
Theo Điều 24 của dự thảo Nghị định mới, bộ Công an đề xuất phạt 1-2 triệu đồng đối với người có hành vi mua dâm. Trong khi đó, theo quy định hiện nay thì người có hành vi mua dâm sẽ bị phạt hành chính từ 0,5 - 1 triệu đồng. Như vậy, quy định mới đề xuất tăng gấp đôi mức phạt hiện nay.
Đối với hành vi bán dâm, Điều 25 của dự thảo Nghị định đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng. Trường hợp bán dâm cùng lúc cho 2 người trở lên thì áp dụng mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Trong khi đó, quy định hiện nay đang áp dụng là phạt tiền tối đa 300 nghìn đồng với hành vi bán dâm. Còn bán dâm cho nhiều người cùng lúc sẽ bị phạt từ 300 - 500 nghìn đồng. Như vậy, quy định mới đề xuất mức phạt tăng so với hiện nay.
Dư luận cho rằng, việc phòng ngừa, đấu tranh với hành vi mua, bán dâm cần phải xử lý mang tính tổng thể nhiều biện pháp, còn nếu chỉ tăng mức phạt đối với người mua, bán dâm thì vẫn chưa đủ sức răn đe.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận: “Để nâng cao hiệu quả xử lý, ngăn ngừa tệ nạn mại dâm diễn ra trong đời sống hiện nay thì cần có nhiều giải pháp, chứ không chỉ có việc tăng mức xử phạt hành chính đối với người mua, bán dâm.
Còn có những liên quan đến giáo dục ý thức pháp luật của mỗi người dân trong xã hội, liên quan đến cơ chế, chính sách pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước trên mạng xã hội, đấu tranh phòng ngừa tội phạm công nghệ cao… Bởi vì trên thực tế, có nhiều đường dây mại dâm hoạt động quảng cáo, giao dịch thông qua mạng xã hội, hoạt động rất tinh vi, bài bản”.
Vị luật sư phân tích: “Tôi nghĩ rằng, việc tăng mức phạt đối với người mua, bán dâm thì cũng chỉ là một trong các giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm. Bởi như chúng ta đã biết, có nhiều vụ cơ quan chức năng triệt phá, các đối tượng khai nhận, số tiền mua dâm khoảng vài triệu đồng lên tới chục nghìn USD (tương đương hàng trăm triệu đồng)/1 lượt mua dâm thì mức phạt vi phạm từ 1 - 2 triệu đồng “không thấm vào đâu”.
Tuy nhiên, đó là với những vụ ở đường dây mua bán dâm giá cao. Thế còn đối với những vụ mại dâm mà gái bán dâm “đứng đường” thì giá mua dâm thấp hơn rất nhiều, do đó, nếu tăng mức phạt vi phạm từ 1 – 2 triệu đồng cũng sẽ có sự tác động nhất định đối với ý thức chấp hành pháp luật. Khi “đánh” vào túi tiền của mỗi người thì họ sẽ thấy “chờn” đối với việc vi phạm pháp luật.
Những tính theo tỉ lệ thì những vụ mại dâm giá nghìn “đô” không nhiều so với các vụ bắt mại dâm “đường phố”. Như vậy, việc tăng mức phạt đối với người mua, bán dâm cũng là 1 trong các biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm”.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm: “Qua các vụ việc đã bị cơ quan công an phát hiện, xử lý, có thể thấy rằng, những trường hợp bán dâm khá đa dạng, thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Có những người có công việc ổn định nhưng vẫn tham gia đường dây mại dâm; cũng có người thì tham các hoạt động dịch vụ nhằm tạo bình phong trá hình để hoạt động bán dâm; còn có những phụ nữ ở “tận cùng xã hội” – không có công ăn việc làm, phải đứng ở đường, nơi công cộng để hoạt động mại dâm… Do đó, công tác nắm địa bàn rất quan trọng. Chính quyền địa phương cũng cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, tạo công ăn việc làm cho những hoàn cảnh cơ nhỡ… Vấn đề này cần có rất nhiều giải pháp mang tính tổng thể thì mới hiệu quả, chứ không thể một sớm một chiều mà giải quyết được”.