Ông Bom Suk Kim, nhà sáng lập của Coupang có tham vọng lớn: biến công ty thương mại điện tử của ông thành Amazon của Hàn Quốc, thậm chí còn tiến xa hơn với việc xây dựng mạng lưới giao hàng độc quyền. Vấn đề là Coupang sẽ cần rất nhiều tiền, lên tới hàng tỷ USD. Nếu đưa công ty lên sàn, nhà đầu tư phổ thông có thể sẽ quay lưng với mô hình kinh doanh đốt vốn như vậy.
Nhưng đây lại chính là cơ hội hoàn hảo cho Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son. Tháng 6/2015, SoftBank rót 1 tỷ USD vào Coupang, phá vỡ kỷ lục tài trợ cho startup tại Hàn Quốc vào thời điểm đó.
Coupang bắt đầu xây dựng trung tâm logistics trên khắp cả nước. Năm đó, doanh thu của công ty tăng gấp ba dù lợi nhuận gộp giảm.
Nhưng ông Son chưa dừng lại. Sau khi thành lập quỹ SoftBank Vision Fund năm 2017, vị tỷ phú Nhật Bản rót tiếp 2 tỷ USD cho Coupang năm 2018. Số tiền này giúp Coupang ra mắt thêm hai dịch vụ nữa: giao hàng tạp hóa và đồ ăn. Trong đại dịch COVID-19, Coupang đã đẩy các đối thủ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Khoản đặt cược vào Coupang có vẻ đang mang lại thành công cho SoftBank. Bất chấp khoản lỗ khổng lồ 475 triệu USD năm 2020, cuộc IPO tại Sàn giao dịch chứng khoán New York hồi tháng 3 đem lại cho công ty vốn hóa ban đầu hơn 100 tỷ USD – gấp 10 lần kỳ vọng của Vision Fund hồi năm 2018.
Thành công này giúp Vision Fund ghi nhận lợi nhuận khổng lồ và SoftBank báo cáo lãi ròng hàng năm cao nhất từ trước đến nay là 46 tỷ USD.
Nhiều công ty châu Á mà ông Son đặt cược vào đã có những cuộc IPO đình đám. Ông Son đang thách thức những người chỉ trích rằng những khoản đầu tư mạo hiểm vào các startup đốt tiền sẽ không được nhà đầu tư trên thị trường đại chúng chấp nhận.
Cùng với những thành công trên là những thất bại bẽ bàng như Greensill Capital, công ty dịch vụ tài chính sụp đổ vào tháng 3 và WeWork, công ty chia sẻ văn phòng thất bại trong nỗ lực IPO năm 2019. Những trường hợp như vậy đã làm dấy lên nghi ngờ về chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá của SoftBank.
Câu hỏi lớn là liệu chiến lược phát triển mạnh bạo mà SoftBank thúc đẩy có thể đem lại lợi nhuận hay không. Các khoản đầu tư vào Coupang đã giúp công ty này mở rộng thị phần trong thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc, nhưng cạnh tranh vẫn rất khốc liệt.
Nhìn xa hay thiển cận?
Vision Fund hiện đang quản lý hơn 130 tỷ USD tài sản. Các thành viên trong 26 nhóm đầu tư của quỹ săn lùng startup trên toàn thế giới. Các cuộc đàm phán về đầu tư cuối cùng sẽ được chốt bởi cuộc họp với ông Son. Ông có thể ra quyết định đầu tư hàng tỷ USD chỉ trong chưa đầy một giờ.
Ông Son chia sẻ với Nikkei Asia: "Chỉ có gần 5% công ty là có lãi khi chúng tôi đầu tư. Khoảng 95% công ty còn lại thì đang thua lỗ, và khoản lỗ cứ tiếp tục tăng lên. Chúng tôi lại đầu tư vào những doanh nghiệp này với định giá rất cao. Bạn cần can đảm để thực hiện những thương vụ kiểu này".
Ông Son có vẻ rất thoải mái với rủi ro của thành công lẫn thất bại thảm hại. Ông chỉ ra rằng Alibaba đang lỗ khi ông lần đầu tiên đầu tư vào công ty này. Khoản đầu tư ban đầu 20 triệu USD của SoftBank cuối cùng đã phát triển thành số cổ phần trị giá hơn 100 tỷ USD.
"Chúng tôi sử dụng trí tưởng tượng. Nếu công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo theo cách này và có khách hàng, thì họ sẽ thành công. Nhưng chỉ cần một sai lầm là công ty sẽ rơi xuống vực thẳm", ông nói.
Ông Oliver Matthew, nhà phân tích tại CLSA nhận xét về chiến lược đầu tư của SoftBank "Về bản chất, SoftBank mua thời gian để công ty chứng minh mô hình kinh doanh là đúng đắn. Họ chấp nhận rằng một số khoản đầu tư sẽ thất bại. Nhưng mức độ đột phá tổng thể mà những công ty này mang lại sẽ bù đắp được số ít khoản đầu tư sai lầm".
Mô hình tăng trưởng bằng mọi giá của SoftBank bắt đầu bị nghi ngờ vào năm 2019, sau khi cổ phiếu của Uber, một trong những khoản đặt cược lớn nhất của Vision Fund, giảm sau khi niêm yết ở Mỹ. Vài tháng sau, WeWork ngừng kế hoạch IPO.
Lo ngại về việc liệu các công ty khác trong danh mục đầu tư có thể tồn tại sau đại dịch COVID-19 hay không đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu của chính SoftBank.
Một loạt các đợt IPO của những công ty nhận đầu tư từ Vision Fund được dự kiến diễn ra trong những tháng tới. Nếu thành công, chúng có thể chứng minh chiến lược của ông Son là đúng.
Tháng 4, Grab thông báo kế hoạch niêm yết thông qua việc sáp nhập với SPAC (công ty mua lại mục đích đặc biệt) với định giá gần 40 tỷ USD. Công ty thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia gần đây đã công bố kế hoạch sáp nhập với Gojek, đối thủ chính của Grab. Một giám đốc cấp cao cho biết công ty sau sáp nhập dự kiến sẽ lên sàn vào cuối năm.
Nikkei Asia cho biết Didi Chuxing, công ty được SoftBank rót vào gần 11 tỷ USD đã bắt đầu kế hoạch IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Công ty gọi xe Trung Quốc này có thể được định giá từ 70 đến 100 tỷ USD.
WeWork cũng tiết lộ dự định niêm yết thông qua SPAC, nâng cao khả năng SoftBank thu hồi được một phần lỗ.
Những khoản đầu tư này có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho Vision Fund. Chỉ riêng cổ phần trong Coupang đã có giá trị 27 tỷ USD trong tháng 3. Cộng với các cuộc IPO nhỏ hơn và giá trị gia tăng của những công ty khác, tổng lợi nhuận đầu tư của quỹ Vision Fund 1 và Vision Fund 2 cho năm tài khóa 2020 là 58 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Son cho rằng lợi nhuận kỷ lục chỉ là sự kết hợp của các sự kiện may mắn xảy ra cùng lúc. Trọng tâm của ông là mở rộng danh mục đầu tư của tập đoàn từ "224 công ty ... lên 300, 400 và 500." Mục tiêu cuối cùng của SoftBank là tạo ra "một nhóm các kỹ sư và doanh nhân giỏi nhất giải quyết mọi vấn đề trên thế giới."