Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 24-5, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm hàng loạt dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tin từ Bộ KH&ĐT cho hay tới đây bộ này sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế, giao thông, quy hoạch đô thị… song song với việc cắt giảm các dự án chậm triển khai, chưa cần thiết thì phải tìm ra nguyên nhân, quy trách nhiệm cụ thể để không lặp lại tình trạng này trong tương lai.
Nhiều chuyên gia khẳng định việc cắt giảm các dự ánđầu tư manh mún, không hiệu quả tập trung vào các dự án cần thiết, cấp bách là chỉ đạo đúngđắn từ Thủ tướng. Trong ảnh: Các dự án metro sẽ mang lại hiệu quả cao cho giao thông đô thị TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng phải rà soát tất cả dự án. “Kết quả rà soát từ Bộ KH&ĐT, với việc cắt giảm cả ngàn dự án, đây không phải là con số nhỏ. Trong khi nguồn lực chúng ta có hạn mà làm manh mún, dàn trải, phân tán thì chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả là hiệu quả đầu tư không cao” - PGS-TS Ngô Trí Long nói.
Theo ông Long, chủ trương cắt giảm các dự án manh mún, không hiệu quả lần này là quyết định mạnh mẽ, rất đáng ghi nhận của Thủ tướng vì nó đi vào những tồn tại, bất cập lớn. Đó là tình trạng đầu tư manh mún, “xí chỗ” dự án nhưng không làm mà để đấy, dẫn đến ứ đọng vốn.
“Ngoài ra, hiện nay, vì ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Trong bối cảnh này, nếu muốn phục vụ mục đích tăng trưởng kinh tế thì buộc lòng phải tăng trưởng đầu tư công. Chính vì thế, việc cắt giảm này càng có lợi hơn” - ông Long phân tích.
Tương tự, TS Dương Như Hùng, chuyên gia nghiên cứu hạ tầng giao thông (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), cho rằng động thái chỉ đạo của Thủ tướng là đúng và trúng. Quyết định cắt giảm này sẽ giúp việc đầu tư được tập trung hơn và sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả hơn.
“Cắt giảm các dự án ngâm quá lâu thì các địa phương có thể tập trung nguồn lực, tiền làm các dự án khác và không phụ thuộc vào việc quy hoạch treo của các dự án này” - ông Hùng nói.
Ngoài ra, sau cắt giảm, trung ương cũng có thể điều chuyển nguồn vốn qua những dự án hoặc công tác khác cần thiết hơn. “Có thể thấy câu chuyện đầu tư dàn trải đã tồn tại từ trước đến nay. Việc Chính phủ yêu cầu rà soát và cắt giảm các dự án chậm trễ, manh mún là quyết định mạnh mẽ. Bởi lẽ lâu nay có dự án rất chậm cũng không ai dám đụng vào, không ai giải quyết. Điều này tác động không nhỏ đến hiệu quả đầu tư” - ông Hùng nói tiếp.
TS Hùng cho rằng khi cắt giảm dự án, các cơ quan chức năng nên tìm hiểu vì sao dự án không triển khai được, do không cần thiết hay bị vướng các quy định nào đó về mặt cơ chế.
“Nếu một thời gian dài dự án bị vướng trở thành dự án bị treo, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác thì việc cắt giảm là điều cần phải làm” - ông Hùng phân tích thêm.
Phải quy trách nhiệm cụ thể
Về vấn đề này, kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cũng cho rằng phải hiểu rõ bản chất của các dự án chậm triển khai là vì lý do gì, nhất là phải kiểm tra lại năng lực đầu tư và sự cam kết của chủ đầu tư. Nếu như nhà đầu tư không có năng lực, không làm gì hết thì nên cắt cho người khác đầu tư. “Vì địa phương cũng như đất nước cần phát triển mà cứ để dự án ngâm, ôm hoài thì không được” - ông Mười nói.
Chuyên gia đô thị, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng nêu quan điểm nên tính theo hiệu quả kinh tế. Theo đó, những dự án không có hiệu quả thì nên cắt giảm đi. Còn việc triển khai quy hoạch chậm là do còn nhiều hạn chế. “Đôi khi có những quy hoạch triển khai chậm do chúng ta không làm giỏi chứ không phải nó không cần” - ông Sơn nói.
Đề cập đến vấn đề trách nhiệm về việc để có nhiều dự án chậm trễ, cần loại bỏ, ông Long cho rằng thời gian qua có cả ngàn dự án phải rút bỏ sau khi rà soát cho thấy từ khâu xây dựng, thẩm định ban đầu của dự án còn chưa tốt.
“Vấn đề quan trọng không chỉ là việc bỏ hàng ngàn dự án chậm trễ, mà phải xem nguyên nhân tại sao và trách nhiệm của ai. Từ đó, cơ quan chức năng phải quy trách nhiệm để chúng ta không phải chứng kiến “tình trạng ngựa quen đường cũ” tái diễn nữa” - PGS-TS Ngô Trí Long đề nghị.
TS Dương Như Hùng cũng cho rằng phải có người chịu trách nhiệm, chứ không nói chung chung.
“Về mặt chính sách, cắt giảm là bước đi mạnh mẽ, dù có những dự án chậm trễ do khách quan nhưng theo tôi, nguyên do này không xảy ra ở nhiều dự án. Vì thế nên đặt câu hỏi là tại sao các dự án lại chậm tiến độ, không triển khai được và phải xử lý trách nhiệm đến nơi đến chốn” - PGS-TS Ngô Trí Long thẳng thắn.
Mạnh dạn cắt giảm dự án kém hiệu quả, vì dân, vì nước Trong những ngày cuối tháng 5-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có một số cuộc làm việc với các bộ, cơ quan về việc cập nhật, bổ sung đánh giá báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tại các cuộc làm việc này toát lên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Suy nghĩ kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới. “Dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở trung ương. Đây là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì dân, vì nước, cứ mạnh dạn mà làm, sẽ cắt giảm được số dự án để tập trung vốn cho các dự án trọng tâm, trọng điểm” - Thủ tướng nhấn mạnh. |