Lực lượng chức năng cách ly, phun khử trùng tại tòa nhà CT7 chung cư Booyoung, Mộ Lao, Hà Đông, nơi có trường hợp thứ hai là nam, sinh năm 1981, là nhân viên kinh doanh bất động sản - Ảnh: NAM TRẦN
Tính từ 18h chiều 26-5 đến 6h sáng 27-5 có 25 ca mắc mới (theo mã số bệnh nhân BN6087-6111). Trong đó, có 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội và 24 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (23), Lạng Sơn (1).
Các ca bệnh (BN6089-BN6111) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu phong tỏa liên quan đến các khu công nghiệp.
Ca bệnh BN6088 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn là nam, 49 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đã được cách ly từ trước; liên quan dịch tễ với BN3482.
Ca bệnh BN6087 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Hà Nội. Người phụ nữ, 35 tuổi, quốc tịch Ấn Độ nhập cảnh vào ngày 7-5, đến lần xét nghiệm thứ 3 ngày 25-5 mới xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tính đến 6h ngày 27-5, Việt Nam có tổng cộng 4.621 ca ghi nhận trong nước và 1.490 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 3.051 ca.
Do đã có một số ca bệnh diễn biến nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 26-5 đã đi khảo sát 3 bệnh viện ở Bắc Giang để đặt thêm đơn vị hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Thứ trưởng đã quyết định chọn Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang để mở đơn vị hồi sức mới, sau đơn vị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đi khảo sát 3 bệnh viện ở Bắc Giang để đặt thêm đơn vị hồi sức tích cực cho bệnh nhân - Ảnh: BYT
Úc bị lây mới từ ca nhập cảnh có biến thể Ấn Độ
Tại Úc, bang Victoria (đông dân thứ hai) đã ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất trong hơn 7 tháng qua với 6 ca ghi nhận được trong ngày 26-5. Chính quyền bang cho biết hơn 300 người có tiếp xúc gần với các ca nhiễm đã được xác định, trong đó nhiều người đã đến những địa điểm đông đúc.
Ổ dịch mới xuất phát từ một ca nhập cảnh nhiễm biến thể của virus được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Người này đã kết thúc cách ly ở bang và đến thành phố Melbourne trong tháng này nhưng lại có xét nghiệm dương tính 6 ngày sau khi hết cách ly.
Thái Lan tính tiêm chủng 10 triệu liều mỗi tháng
Giới chức Thái Lan cho biết nước này sẽ sửa đổi chiến lược tiêm chủng quốc gia, đặt trọng tâm vào các vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất và nơi các ổ dịch có nhiều khả năng xuất hiện nhất.
Theo đó sẽ ưu tiên "tâm dịch" Bangkok và các tỉnh lân cận, các điểm nóng du lịch, các công trình xây dựng và những người có nguy cơ lây lan virus như các nhân viên vận tải công cộng.
Chính phủ Thái Lan mới đây cũng đã quyết định kéo dài thời gian tiêm liều thứ hai của vắc xin AstraZeneca lên 16 tuần, thay vì 10 tuần như trước đây, nhưng khẳng định việc trì hoãn sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến phản ứng miễn dịch với COVID-19.
Dự kiến, Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm chủng đại trà từ ngày 7-6 tới với mục tiêu khoảng 10 triệu liều mỗi tháng và trong số hơn 66 triệu dân đến nay mới chỉ 2,5 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đã kêu gọi chính phủ cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu thêm vắc xin từ nhiều nhãn hiệu khác nhau, do đã xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin AstraZeneca.
Hiện Thái Lan đã phê duyệt sử dụng 4 loại vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinovac và Moderna. Hiệp hội Bệnh viện tư nhân (PHA) hi vọng vắc xin Moderna sẽ có sẵn cho các khách hàng tư nhân ở Thái Lan vào quý 3 năm nay.
Ngày 26-5, Thái Lan cũng đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 41 ca, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 873 ca. Thái Lan cũng thông báo thêm 2.455 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 137.894 ca.
Số liệu: XUÂN MAI - Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Đánh giá sau khi kết thúc giai đoạn 2 thử nghiệm vắc xin, Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế đánh giá vắc xin Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen có đủ điều kiện bước vào cuộc thử nghiệm cuối cùng với liều được chọn 25mg.
Xem thêm: mth.54213929162501202-ac-32-gnaig-cab-od-gnort-iom-ac-42-meht-5-72-gnas/nv.ertiout