vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh nghiệm quốc tế về triển khai và giám sát chiến lược tài chính toàn diện

2021-05-27 08:51

1. Định nghĩa và vai trò của tài chính toàn diện

Định nghĩa 

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính - các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững. 

Liên minh Tài chính toàn diện (Alliance for Financial Inclusion - AFI) định nghĩa về tài chính toàn diện rộng hơn và đa chiều hơn, nhấn mạnh đến cả khía cạnh chất lượng sử dụng dịch vụ. Theo đó, tài chính toàn diện là việc cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ tài chính sẵn có với mức chi phí hợp lý; làm cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thường xuyên; đưa ra những dịch vụ tài chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. 

Thuật ngữ tài chính toàn diện do Ủy ban Basel định nghĩa là một tình trạng/hiện trạng mà trong đó tất cả người trưởng thành trong độ tuổi lao động, bao gồm cả những người hiện đang bị loại trừ bởi hệ thống tài chính, có khả năng tiếp cận hiệu quả tới các dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các tổ chức chính thức là tín dụng, tiết kiệm (kể cả tài khoản vãng lai), thanh toán và bảo hiểm.

Tài chính toàn diện được hiểu theo nghĩa rộng hơn so với tiếp cận tài chính. Một số người có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính nhưng lại không muốn sử dụng trong khi nhiều người có nhu cầu lại không thể tiếp cận do những rào cản như chi phí quá cao, quy định pháp luật phức tạp, hoặc thiếu sản phẩm dịch vụ phù hợp.

Nghiên cứu định nghĩa của các tổ chức quốc tế, các nước đã và đang triển khai tài chính toàn diện cho thấy, mỗi nước và tổ chức quốc tế đều đưa ra một định nghĩa riêng về tài chính toàn diện. Định nghĩa là cơ sở để xây dựng tầm nhìn và các giải pháp trụ cột cho chương trình, kế hoạch hành động hay chiến lược về tài chính toàn diện của quốc gia đó. 

Mặc dù, định nghĩa mà mỗi nước hay mỗi tổ chức quốc tế đưa ra là khác nhau nhưng đều tiếp cận theo các tiêu thức chính: (i) phạm vi sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung ứng; (ii) đối tượng hưởng lợi (người nhận cung ứng); (iii) phương thức/chất lượng cung ứng; (iv) tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, ngoài một số nước (Pakistan, Papua New Guinea,…) lấy nguyên định nghĩa mà WB đưa ra làm định nghĩa cho chiến lược của mình thì nhiều nước sử dụng định nghĩa của WB làm cơ sở để xây dựng định nghĩa tài chính toàn diện phù hợp với điều kiện của quốc gia họ. 

Tổng quát lại, tài chính toàn diện là tất cả các sáng kiến, biện pháp để cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý tới tất cả người dân. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng.

Vai trò của tài chính toàn diện

Tài chính toàn diện được coi là có vị trí rất quan trọng đối với phát triển bền vững của một quốc gia. Tài chính toàn diện có thể tạo ra những tác động tích cực như: gia tăng tiết kiệm và đầu tư, qua đó, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. Tài chính toàn diện cũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, phân phối thịnh vượng công bằng, hỗ trợ phát triển toàn diện và bền vững. Thiếu tiếp cận tài chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất bình đẳng thu nhập, bẫy nghèo đói và hạ thấp tăng trưởng. 

Tài chính toàn diện mang lại những lợi ích không nhỏ cho xã hội và nền kinh tế. Tiếp cận dịch vụ ngân hàng giúp các cá nhân và doanh nghiệp tìm được nguồn lực để đáp ứng những nhu cầu như vay vốn cho các cơ hội kinh doanh, đầu tư cho con cái học hành, hoặc dành tiền tiết kiệm khi về hưu... Vay vốn ngân hàng còn giúp người nông dân, người nghèo bảo vệ mình trước những cú sốc hay rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, mất mùa, thiên tai. Người nghèo sẽ tránh được vòng luẩn quẩn khi phải đi vay ở khu vực không chính thức với lãi suất cao, khiến cho gánh nặng trả nợ càng cao để rồi nghèo sẽ càng nghèo hơn. Không có tài khoản ngân hàng cũng có thể khiến mọi người bị loại trừ khỏi các dịch vụ khác như y tế, bảo hiểm, là những thứ giúp mọi người sống an toàn và tự bảo vệ mình tốt hơn. 

Tài chính toàn diện còn giúp Chính phủ giảm bớt chi phí cho các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, quản lý xã hội tốt hơn nhờ làm tăng sự minh bạch, phòng chống tham nhũng tích cực hơn. Một xã hội với cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính mở rộng cho tất cả mọi người sẽ tăng cường sự tham gia của họ vào cuộc sống cộng đồng nói chung, cải thiện công bằng và bình đẳng, năng lực của toàn xã hội theo đó cũng được nâng lên.

Đối với các tổ chức tài chính, tài chính toàn diện đồng nghĩa với việc mở rộng đối tượng phục vụ tới tất cả nhóm người trong xã hội, tạo cơ hội cho họ phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, mở rộng cơ sở khách hàng và theo đó là lợi nhuận tăng lên.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, các tổ chức quốc tế đã không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của tài chính toàn diện. Nhóm G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009. Tháng 10/2013, WB chính thức đưa ra mục tiêu đến năm 2020 mỗi người trưởng thành phải có một tài khoản giao dịch và xem đó như một mốc quan trọng hướng tới tài chính toàn diện đầy đủ - một thế giới mà người dân ở bất cứ đâu đều có quyền tiếp cận và có thể sử dụng các dịch vụ tài chính mà họ cần để nắm bắt cơ hội cải thiện cuộc sống và giảm thiểu tổn thương. Liên hợp quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (SDG). Các nước ASEAN cũng coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho Tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện (WC-FINC) từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực.

 


Việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phá
t triển bền vững của đất nước.

 2. Kinh nghiệm về triển khai và giám sát tài chính toàn diện của các quốc gia trên thế giới
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được định nghĩa là những lộ trình/kế hoạch được xác định và đồng thuận ở cấp quốc gia mà các bên liên quan cùng theo đuổi để đạt được những mục tiêu của tài chính toàn diện. Đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 80 quốc gia đã và đang triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Các quốc gia theo đuổi mục tiêu tài chính toàn diện đều đưa ra nhiều giải pháp áp dụng những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, tập trung vào việc giảm chi phí, an toàn và thuận tiện, nhờ đó nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, đặc biệt là những người từ trước đến nay chưa được các ngân hàng phục vụ. Kết quả triển khai thực hiện tài chính toàn diện ở những quốc gia này được ghi nhận đã đóng góp lớn vào xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Thành công nhất có thể kể đến những quốc gia như Colombia, Brazil ở Nam Mỹ, Tanzania, Kenya ở châu Phi hay Ấn Độ, Malaysia ở châu Á. Trong số đó, Malaysia đạt được một mức độ cao nhất về tài chính toàn diện, với 96% người trưởng thành có tài khoản tính đến cuối năm 2019, và nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu phổ cập tiếp cận các dịch vụ tài chính vào năm 2020.

Kinh nghiệm triển khai Chiến lược tài chính toàn diện ở các quốc gia trên thế giới cũng như tổng kết các tài liệu nghiên cứu quốc tế về tài chính toàn diện cho thấy, việc thiết kế và thực hiện hiệu quả một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện thường dựa trên 6 trụ cột chính là:

- Số liệu và các báo cáo đánh giá thực trạng: nội dung và những ưu tiên của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia sẽ được xác định dựa trên phân tích số liệu và các báo cáo thực trạng, gồm cả bên cầu và bên cung.

- Các mục tiêu tổng quát và cụ thể: trên cơ sở các dữ liệu tài chính toàn diện sẵn có, có thể đưa ra các mục tiêu cụ thể, đo lường được và khả thi, đồng thời các nhà quản lý cần có khả năng kiểm soát được quá trình thực hiện.

- Lãnh đạo và phối hợp: một cơ chế phối hợp giữa các bộ/ngành là hết sức cần thiết và quan trọng trong suốt quá trình xây dựng và thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Sự phối hợp có thể được thực thi thông qua việc thành lập một cơ quan quản lý/cơ quan điều phối cấp quốc gia được trao quyền và có nguồn lực rõ ràng.

- Xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: thực hiện soạn thảo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên cơ sở tham vấn tất cả các bên liên quan để bảo đảm sự tham gia và đồng thuận của cả khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân.

- Thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: các giải pháp và sáng kiến cần được sắp xếp thứ tự ưu tiên cũng như sự phân định vai trò và trách nhiệm cho mỗi tổ chức thực hiện.

- Giám sát và đánh giá: đây là bước rất quan trọng để bảo đảm rằng việc thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đi theo đúng hướng và có thể điều chỉnh các chính sách, các biện pháp khác nhau theo nhu cầu thực tiễn.

Như vậy, có thể thấy, để đảm bảo quá trình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đi đúng hướng và đạt được các mục tiêu đặt ra, việc thực thi và giám sát, đánh giá Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đóng vai trò then chốt. Tổng kết kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy, công tác triển khai, giám sát, đánh giá Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cần tập trung vào 3 vấn đề sau:

Cơ chế phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện 

Khuôn khổ tài chính toàn diện có liên quan tới nhiều cơ quan và các chủ thể khác nhau. Bởi vậy, việc hình thành một cơ chế phối hợp cấp quốc gia là điều cần thiết. Để đạt được mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện cần những nỗ lực có chủ đích và tập trung, cần sự phối hợp, điều phối chung giữa các bên liên quan. 

Theo WB (2018), trong số tất cả các quốc gia đã và đang triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, kể cả ở các nước có một đơn vị đầu mối duy nhất thì cũng thường xuyên có sự tham gia của nhiều bên liên quan. 

Tại Jamaica, để triển khai Chiến lược tài chính toàn diện, Hội đồng Quốc gia về tài chính toàn diện được thành lập, trong đó gồm ba cấu phần chính: Ban chỉ đạo về tài chính toàn diện, Ban tham vấn các bên liên quan (khu vực tư nhân, xã hội dân sự) và Ban thư ký kỹ thuật. Trong đó, Ban chỉ đạo về tài chính toàn diện gồm: nhóm công tác cơ sở hạ tầng tài chính và thanh toán bán lẻ; nhóm công tác tài chính doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp nhỏ và vừa và tài chính nông nghiệp; nhóm công tác tài chính hộ gia đình và nhóm công tác bảo vệ người tiêu dùng, hiểu biết tài chính.

Tại Tanzania, khuôn khổ tài chính toàn diện bao gồm cả cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện để bảo đảm rằng các bên liên quan phải triển khai những lĩnh vực ưu tiên chủ yếu. Có ba cấp được thành lập, gồm: Hội đồng quốc gia (National Council - NC), Ban chỉ đạo quốc gia (National Steering Committee - NSC) và Ủy ban Kỹ thuật quốc gia (National Technical Committee - NTC) về tài chính toàn diện. Ngân hàng Trung ương Tanzania là thư ký thường trực cho tất cả các Ủy ban. Trong đó, NC chịu trách nhiệm định hướng chiến lược tổng thể và giám sát chương trình tài chính toàn diện. NSC có thành viên là những người đứng đầu 27 bộ và cơ quan Chính phủ, các Hiệp hội, các ban hợp tác phát triển… có vai trò điều phối và giám sát các hoạt động của NTC, xem xét báo cáo của NTC về quá trình thực hiện kế hoạch hành động; Chuẩn bị báo cáo đệ trình NC quyết định và ban hành... NSC phải báo cáo NC, họp ít nhất một năm hai lần theo định kỳ và họp đột xuất nếu có nhu cầu. NTC là một nhóm công tác hình thành từ các quan chức cấp cao của 27 bộ và cơ quan chính phủ, cơ quan quản lý và hiệp hội nghề nghiệp có vai trò xây dựng và đánh giá các chỉ số; Xác định những trở ngại chủ yếu đối với các hoạt động tài chính toàn diện... Tổ thư ký quốc gia giữ vai trò thường trực, thu thập và tổng hợp thông tin về tài chính toàn diện, cung cấp thông tin nếu được yêu cầu. Tổ thư ký quốc gia do Ngân hàng Trung ương Tanzania đảm nhận, xuất phát từ vai trò trung tâm của Ngân hàng Trung ương Tanzania đối với tài chính toàn diện tại quốc gia này.

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát

Mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Chiến lược tài chính toàn diện cần được đánh giá kết quả theo những chỉ số có khả năng đo lường và thu thập từ những nguồn số liệu tin cậy. Một hệ thống giám sát đánh giá được thiết kế khoa học là công cụ hiệu quả để xác định những tiến bộ đạt được, những rào cản làm chậm quá trình thực hiện, và giúp phân bổ nguồn lực tốt hơn. Mục tiêu chủ yếu của hệ thống giám sát đánh giá là:

- Theo dõi việc thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện đi đúng hướng.

- Đánh giá được các kết quả đầu ra của tài chính toàn diện thông qua một cơ sở dữ liệu đầy đủ.
- Phối hợp và hỗ trợ kỹ thuật cho việc đánh giá những sáng kiến mang tính chiến lược quan trọng về tài chính toàn diện. 

Để triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, điều cần thiết là phải xây dựng được hệ thống chỉ tiêu giám sát. Các chỉ tiêu đánh giá này thường được lượng hóa thành các chỉ số định lượng và định tính để có cơ sở đánh giá khách quan nhất về mức đúng hướng của tiến trình thực hiện Chiến lược và khả năng đạt mục tiêu đề ra của kết quả triển khai. Hệ thống giám sát, đánh giá gồm các chỉ số được xác định theo những thông lệ quốc tế. Thông thường, các quốc gia đều dựa trên bộ chỉ tiêu về tài chính toàn diện của WB (Global Findex) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để làm cơ sở xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá riêng biệt của từng quốc gia cũng như so sánh một số chỉ tiêu với các quốc gia khác trên thế giới để đánh giá tình trạng thúc đẩy tài chính toàn diện tại quốc gia mình. Các chỉ số đánh giá, giám sát thường được xây dựng có liên quan chặt chẽ đến các nhóm giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện và phản ánh đầy đủ các lĩnh vực của tài chính toàn diện của một quốc gia, được phân thành 3 nhóm lớn (i) phát triển kênh phân phối; (ii) phát triển sản phẩm; (iii) hiểu biết tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Để có thể thiết lập bộ chỉ tiêu này, hầu hết các quốc gia thường thực hiện cuộc điều tra bên cầu (như WB đã thực hiện) và điều tra bên cung (theo bộ chỉ tiêu của IMF). Điều tra bên cầu là cuộc điều tra mẫu, khảo sát khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cũng như mức độ hiểu biết về tài chính của người dân tại mỗi quốc gia. Điều tra bên cầu là điều tra mẫu nên số lượng mẫu (số lượng người được hỏi), bảng hỏi và thời gian thực hiện điều tra khảo sát là khác nhau ở mỗi quốc gia. Bộ dữ liệu về tài chính toàn diện toàn cầu (Global Findex) của WB được coi là một hệ thống dữ liệu điều tra về cách thức người trưởng thành tiết kiệm, vay mượn, thanh toán và quản lý rủi ro tại hơn 140 quốc gia. Hệ thống dữ liệu được chính thức công bố năm 2011 và cứ định kỳ 3 năm lại thực hiện điều tra hơn 150.000 người trưởng thành của hơn 140 quốc gia trên thế giới để cập nhật số liệu. Với hệ thống số liệu đồ sộ và được cập nhật định kỳ, rất nhiều nước đã sử dụng các chỉ số hiện có của Global Findex để đánh giá thực trạng tiếp cận tài chính của người dân ở quốc gia mình và so sánh với các quốc gia khác. Nhiều quốc gia, đặc biệt các nước Đông Nam Á, khi xây dựng Chiến lược/Chương trình quốc gia về tài chính toàn diện đã được WB hỗ trợ để thực hiện điều tra bên cầu lần đầu nhằm đánh giá thực trạng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, làm cơ sở xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá, giám sát phù hợp với tình hình thực tế tại quốc gia đó. 

Điều tra bên cung là việc thu thập các số liệu về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính từ các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Hệ thống dữ liệu về Điều tra tiếp cận tài chính (Financial Access Survey – FAS) của IMF là hệ thống cơ sở dữ liệu về mức độ sử dụng, tiếp cận các sản phẩm tài chính như tài khoản tiết kiệm, vay vốn và bảo hiểm được tổng hợp từ phiếu trả lời khảo sát của các cơ quan quản lý tại hơn 189 quốc gia. Hệ thống dữ liệu này được IMF xây dựng và thu thập trong vòng 10 năm trở lại đây, định kỳ cập nhật số liệu hàng năm. Hệ thống dữ liệu FAS của IMF là duy nhất hiện có trên thế giới, trở thành cơ sở để nhiều nhà hoạch định chính sách ở các nước đánh giá bức tranh tài chính toàn diện của quốc gia mình và thiết lập các mục tiêu, chỉ tiêu cần thiết để thúc đẩy tài chính toàn diện.

Do tính chất khác nhau giữa điều tra bên cung và bên cầu nên thông thường các quốc gia đều cân nhắc thực hiện cả hai cuộc điều tra này để có một bức tranh toàn cảnh về thực trạng tài chính toàn diện. Vì vậy, hệ thống chỉ tiêu được sử dụng để giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện phần lớn là tổ hợp từ điều tra bên cung và cả bên cầu.

Dữ liệu

Dữ liệu đóng một vai trò quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý từ việc xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp đến việc giám sát và đánh giá các Chiến lược tài chính toàn diện. Dữ liệu tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác hiểu rõ hơn về cơ sở tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính cũng như các rào cản khác nhau của tài chính toàn diện, đồng thời cung cấp thông tin về cách giải quyết các rào cản này trong phạm vi năng lực thể chế sẵn có và các nguồn lực. Việc duy trì hoặc thu thập dữ liệu tài chính toàn diện tiêu chuẩn cấp quốc gia được đánh giá là khó nhưng cần thiết để phát triển các chiến lược tiếp theo. Dựa trên dữ liệu, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác có thể thiết kế các sản phẩm và cơ chế phân phối phù hợp với nhu cầu tài chính cho người nghèo.

Chiến lược tài chính toàn diện của Philippines xác định Dữ liệu và Đánh giá là một trong 4 trụ cột để đạt được các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện. Các trụ cột được thể hiện dưới dạng một ngôi nhà với mái nhà thể hiện tầm nhìn của tài chính toàn diện bao quát/bao trùm toàn bộ các trụ cột tương ứng với 4 lĩnh vực. Dữ liệu và Đánh giá là trụ cột làm nền tảng cho 3 trụ cột khác (Hình 1). 

http://tapchinganhang.com.vn/pic/News/buivanduy/images/1(436).PNG

Trong những năm gần đây, các quốc gia ngày càng coi việc thu thập dữ liệu có chất lượng tốt hơn về tài chính toàn diện là trọng tâm. Ngay cả khi các quốc gia mà bộ phận thống kê chưa thực sự phát triển tốt, họ vẫn cố gắng sử dụng dữ liệu thu thập từ các nguồn bên ngoài. Các quốc gia có thể thu thập dữ liệu của mình thông qua phát triển cơ sở hạ tầng thu thập dữ liệu cần thiết. Malaysia, Ấn Độ và một số quốc gia khác đã phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống nhằm thu thập đánh giá số liệu về tài chính toàn diện phục vụ công tác giám sát và đánh giá Chiến lược tài chính toàn diện.

Để công tác giám sát, đánh giá đạt hiệu quả, dữ liệu cần được thu thập, phân tích trên cơ sở liên tục. Đồng thời, số liệu ban đầu đóng vai trò quan trọng bởi hoạt động giám sát và đánh giá thường dựa trên việc so sánh các thông tin, số liệu được thu thập cuối kỳ/cuối giai đoạn báo cáo với thông tin ban đầu.

3. Triển khai và giám sát Chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực trạng tài chính toàn diện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước.
Chiến lược đã nêu rõ khái niệm “Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”. Chiến lược cũng thể hiện rõ mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Chiến lược được xây dựng trên năm nguyên tắc cơ bản, đó là có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của tất cả các ngành, lĩnh vực; ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo; đảm bảo sự an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống tài chính, an toàn, bảo mật thông tin cho khách hàng; áp dụng kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp đột phá thúc đẩy tài chính toàn diện. Chiến lược đã đặt ra mục tiêu tổng quát cùng sáu mục tiêu cụ thể, chín chỉ tiêu đánh giá, và sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. 

Sau khi Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chủ động triển khai. Cụ thể:

- NHNN với vai trò là Cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo đã khẩn trương: (i) Trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo; (ii) Thành lập Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ; (iii) Xây dựng Website của Ban Chỉ đạo nhằm cung cấp các thông tin chính thức về hoạt động của Ban Chỉ đạo và truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức về tài chính cho người dân, doanh nghiệp.

- Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan đã sớm xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động (KHHĐ) để tổ chức triển khai Chiến lược như NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… Phần lớn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành KHHĐ.

- Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược và là cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 ban hành KHHĐ của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và tổ chức Hội nghị triển khai KHHĐ của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược vào ngày 10/9/2020. KHHĐ là căn cứ để các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược, chương trình, KHHĐ cụ thể của đơn vị. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược trong mỗi giai đoạn, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giám sát và đánh giá Chiến lược, NHNN đã xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá, giám sát Chiến lược ban hành kèm theo Quyết định số 1309/QĐ-NHNN, gồm 26 chỉ tiêu tài chính toàn diện bên cung và 37 chỉ tiêu tài chính toàn diện bên cầu. Trong đó, các chỉ tiêu tài chính toàn diện bên cung được thực hiện hàng năm và phân công cụ thể đơn vị chủ trì cung cấp từng số liệu; các chỉ tiêu tài chính toàn diện bên cầu được thu thập từ cuộc điều tra bên cầu về tài chính toàn diện giao một đơn vị làm đầu mối tổ chức thực hiện 5 năm một lần.

Tuy Chiến lược mới được ban hành trong thời gian ngắn (chưa đầy một năm) nhưng NHNN nói riêng và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương nói chung đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược.

4. Đề xuất, kiến nghị

Kinh nghiệm triển khai Chiến lược tài chính toàn diện ở các quốc gia trên thế giới cũng như tổng kết các tài liệu nghiên cứu quốc tế về tài chính toàn diện cho thấy, để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo đạt được những mục tiêu của Chiến lược, tiến tới bắt kịp với xu thế trong khu vực và trên thế giới, bài viết nêu một số đề xuất, kiến nghị sau:

Một là, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả: Để triển khai Chiến lược có hiệu quả, cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội; huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, nhất là của hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính; tranh thủ sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế nhằm hướng mọi nguồn lực trong xã hội đến mục tiêu chung của tài chính toàn diện. Trong đó: 

(i) NHNN với vai trò là đơn vị đầu mối theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, cần chủ động, xây dựng quy trình theo dõi, đánh giá theo định kỳ hằng năm và từng giai đoạn. Tổ chức thực hiện tốt KHHĐ của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược ban hành theo Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020.

(ii) Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan cần tổ chức theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện KHHĐ của cơ quan, địa phương mình hằng năm và từng giai đoạn. Trong đó, đánh giá kết quả đạt được, nhận diện những tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và phối hợp cung cấp các số liệu liên quan gửi NHNN để tổng hợp, xây dựng các báo cáo định kỳ, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Chiến lược và các hoạt động liên quan về tài chính toàn diện.

Hai là, NHNN đã xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá, giám sát Chiến lược ban hành kèm theo Quyết định số 1309/QĐ-NHNN. Bộ chỉ tiêu bên cung được thu thập tính đến 31/12 hằng năm, trong đó, một số chỉ tiêu như tỷ lệ phần trăm người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng, tỷ lệ phần trăm người trưởng thành có tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng thường gặp khó khăn trong thu thập, tính toán và cần nhiều thời gian do phải loại trừ trùng lặp. Hoặc chỉ tiêu tỷ lệ phần trăm xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính chỉ được tính toán chính xác khi thu thập đầy đủ thông tin từ 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Do đó, các đơn vị được NHNN giao đầu mối tính toán số liệu cần bố trí nguồn lực thích hợp để thu thập, tính toán, đảm bảo số liệu được cập nhật kịp thời, đúng thời hạn quy định.   

Ba là, việc thu thập, phân tích dữ liệu về tài chính toàn diện cần đảm bảo liên tục, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào để công tác giám sát, phân tích Chiến lược đạt hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trang điện tử của CGAP: http://www.cgap.org/

2. Trang điện tử của UN: http://www.uncdf.org/financial-inclusion

3. Trang điện tử WB: http://www.worldbank.org/en/topic/financialinclusio

4. Trang  điện  tử  của  Trung  tâm  tài  chính  toàn  diện: http://www.centerforfinancialinclusion.org/

5. National  Banking  and  Securities  Commission,  Mexico.  December  2009.  Financial Inlcusion Report.

TS. Nguyễn Thị Hòa

Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN

Theo Tạp chí Ngân hàng số 3+4/2021

 

Xem thêm: 922554VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags: vay

“Kinh nghiệm quốc tế về triển khai và giám sát chiến lược tài chính toàn diện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools