Tình hình tiêm chủng tại Ấn Độ
Chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Ấn Độ khởi động từ khá sớm, và đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Nước này bắt tay vào nghiên cứu các loại vaccine phòng chống Covid-19 từ giữa năm 2020 và tới cuối năm bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng. Ấn Độ cũng đã đạt được thỏa thuận sớm với Đại học Oxford và hãng dược Anh- Thụy Điển AstraZeneca để có bản quyền sản xuất vaccine Covishield ở trong nước.
Đầu tháng 1/2021, Tổng cục Quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp với 2 loại vaccine Covid-19 là Covishield do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và Covaxin do công ty dược Bharat Biotech nghiên cứu phát triển. Đây là 2 loại vaccine phải cần tới 2 mũi tiêm để sinh miễn dịch đầy đủ trước Covid-19.
Tới ngày 16/1, nước này chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 được coi là lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch đặt ra, Ấn Độ sẽ chia chiến dịch tiêm chủng theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ dành để tiêm đội ngũ nhân viên y tế và các lao động trong các ngành dịch vụ tuyến đầu. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 1/3, Ấn Độ bắt đầu tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi có mắc bệnh nền. Còn từ ngày 1/4, những người trên 45 tuổi đều có thể đi tiêm chủng.
Ban đầu, Ấn Độ đặt ra kế hoạch tiêm chủng rất tham vọng. Đó là tới cuối tháng 7/2021, nước này sẽ tiêm đủ 2 mũi cho 300 triệu người dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương, tương đương ít nhất 600 triệu liều vaccine.
Tới thời điểm ngày 25/5, Ấn Độ đã tiêm được khoảng 198 triệu liều vaccine Covid-19. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 42 triệu người nhận đủ 2 mũi tiêm, tương đương về mặt lý thuyết là 3% dân số đã có đủ kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Con số này cho thấy nhiệm vụ còn rất nặng nề ở phía trước của Ấn Độ nếu muốn đạt miễn dịch cộng đồng qua tiêm chủng. Và trong bối cảnh đó, Ấn Độ đang phải giải bài toán cấp bách là thiếu hụt vaccine để hoàn thành các mục tiêu tiêm chủng của mình. Hiện tại, nhiều bang đã phải tạm dừng từng phần hoặc thu hẹp diện được tiêm chủng vì hết vaccine.
Nghịch lý thiếu vaccine ở trung tâm sản xuất vaccine thế giới
Ấn Độ được coi là một trong những trung tâm sản xuất thuốc hàng đầu thế giới, trong đó có các loại vaccine. Riêng Viện Huyết thanh Ấn Độ, công ty dược phẩm có trụ sở tại thành phố Pune, bang Maharashtra được cho là có khả năng sản xuất 50% lượng vaccine của toàn thế giới. Trước khi dịch bùng phát, người ta vẫn cho rằng Ấn Độ đã chủ động được nguồn vaccine Covid-19 trong năm nay.
Trong 4 tháng đầu năm, nước này còn xuất khẩu thương mại, trao tặng và chuyển giao cho cơ chế Covax Facility khoảng 66 triệu vaccine. Việc thiếu hụt vaccine hiện tại của Ấn Độ dường như nằm ngoài tính toán của Ấn Độ với niềm tin rằng nước này đã chiến thắng đại dịch vào tháng 2 vừa qua.
Tuy nhiên, đợt bùng phát Covid-19 thứ hai từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã làm đảo lộn mọi giả định và khiến cho tình hình thiếu hụt vaccine của Ấn Độ dần lộ ra. Có nhiều nguyên nhân ở đây.
Đầu tiên là việc làn sóng lây nhiễm thứ hai lan ra quá nhanh khiến nhu cầu tiêm vaccine tăng vọt, gây ra các rối loạn dây chuyền. Cuối tháng 4, khi mà đợt dịch đang lên tới đỉnh điểm, Chính phủ Ấn Độ cho phép tất cả người dân trên 18 tuổi được đi tiêm chủng khiến tình trạng khan hiếm vaccine càng thêm trầm trọng. Tiếp đến là việc Chính phủ Ấn Độ không có kế hoạch đặt hàng các lô vaccine mới sau khi nhận được 100 triệu liều Covishield đầu tiên vào tháng 12/2020 cùng 20 triệu liều Covaxin. Điều này khiến Viện Huyết thanh Ấn Độ trì hoãn kế hoạch nâng công suất sản xuất vaccine để đáp ứng mục tiêu ít nhất 650 triệu liều vào tháng 7/2021.
Vấn đề thứ 3 của tình trạng thiếu hụt vaccine là câu chuyện giá bán. Sau một vài tháng đầu tiên đóng vai trò là người mua duy nhất với 2 loại vaccine được sản xuất trong nước, ngày 19/4, Chính phủ Ấn Độ cho phép mua bán vaccine trên thị trường mở. Đó là nơi mà không chỉ 28 bang mà các bệnh viện tư nhân cũng có quyền đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất để dành các lô vaccine về phía mình.
Đây là một thị trường không công bằng khi 50% sản lượng vaccine với giá bán ưu đãi sẽ phải dành cho chính phủ, trong khi số còn lại sẽ là cuộc ‘tranh mua tranh bán’ giữa các bang và các bệnh viện với 2 nhà sản xuất. Trong số này, các bang sẽ phải trả chi phí gấp đôi, còn các bệnh viện tư nhân phải trả gấp 8 lần mới có hàng.
Thay đổi đột ngột về trách nhiệm thu mua vaccine khiến các bên không có đủ thời gian đàm phán về giá và dự trữ vaccine. Đặc biệt là khi mà các nhà sản xuất vẫn đang có các đơn hàng treo với Chính quyền trung ương. Đằng sau chuyện này, người ta cho rằng Viện Huyết thanh Ấn Độ còn đang muốn mặc cả với Chính phủ để nhận được các khoản tiền ứng trước để mở rộng sản xuất, hoặc tìm cách để tối ưu lợi nhuận thông qua mức giá cao hơn.
Rõ ràng, câu chuyện với Ấn Độ nằm ở việc cân bằng giữa lợi nhuận của nhà sản xuất vaccine và quyền lợi của người mua vaccine là người dân và chính quyền trong bối cảnh ‘nước sôi lửa bỏng’ hiện nay.
Cũng cần phải đề cập một vấn đề khác là vấn đề bản quyền thuốc và nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất vaccine Covid-19. Đây là 2 thứ mà Ấn Độ hay bất cứ quốc gia nào cũng gặp phải nếu muốn sản xuất vaccine.
Chiến lược của Ấn Độ tăng nguồn cung vaccine Covid-19
Nhiệm vụ cấp bách của Ấn Độ là phải nâng công suất sản xuất vaccine trong nước lên cao hơn. Hiện, chính phủ Ấn Độ vẫn đang trông đợi vào 2 nhà sản xuất trong nước là Viện Huyết thanh và Bharat Biotech để đảm bảo nguồn cung vaccine. Khả năng nâng sản lượng vaccine lên còn tùy thuộc vào các cuộc đàm phán sắp tới giữa chính quyền với các công ty dược.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tìm các nguồn vaccine của nước ngoài thông qua hợp tác, chuyển giao công nghệ và cả nhập khẩu. Ví dụ, Ấn Độ sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V của Nga từ tháng 8 và 850 triệu liều sẽ được đưa ra thị trường trong năm nay theo ba giai đoạn.
Tính đến nay đã có khoảng 210.000 liều Sputnik V được Nga chuyển cho Ấn Độ. Nguồn cung vaccine dự kiến sẽ đạt 5 triệu vào tháng 6 và việc sản xuất vaccine ở Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 8. Sputnik V sẽ được sản xuất tại Ấn Độ theo hai hình thức. Thứ nhất, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga sẽ gửi vaccine dưới dạng bán thành phẩm đến Ấn Độ để pha chế và đóng chai. Thứ hai, phía Nga sẽ chuyển giao công nghệ và các công ty Ấn Độ sẽ sản xuất hoàn toàn tại nước này. Ngoài ra, Tổng cục Quản lý dược phẩm Ấn Độ cũng đã rút ngắn tối đa thời gian cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp với các loại vaccine nhập khẩu để có thể đưa mặt hàng này ra thị trường nhanh nhất có thể.
Xem thêm: nhc.78123417072501202-91-divoc-eniccav-ueiht-ial-ioig-eht-auc-couht-ahn-od-na-neihk-od-yl/nv.fefac