Một trong những lãnh đạo cao cấp gắn bó lâu nhất với Uber
Thuận Phạm là một trong những doanh nhân gốc Việt nổi tiếng tại Thung lũng Silicon. Ông rời Việt Nam đến Mỹ hơn 3 thập kỷ trước. Sau khi tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts, Thuận Phạm làm việc cho nhiều công ty công nghệ và VMWare, nơi ông nắm giữ các vị trí quản lý từ năm 2004 đến 2012.
Năm 2013, ông gia nhập Uber với tư cách là giám đốc công nghệ (CTO) dưới quyền nhà sáng lập và cựu CEO Travis Kalanick. Tại thời điểm đó, Uber chỉ có mặt tại 60 thành phố với 40 kỹ thuật viên. Thuận Phạm đã cùng với hãng gọi xe này phát triển khối kỹ thuật và mở rộng hoạt động tại hàng trăm thành phố ở khắp các quốc gia. Công ty này cũng từng là startup được định giá lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Uber sau đó dính vào hàng loạt scandal và nhà sáng lập Travis Kalanick phải ra đi vào năm 2017. Tháng 5/2020, CTO gốc Việt thông báo nghỉ việc tại hãng gọi xe công nghệ Mỹ trong bối cảnh Uber cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của Covid-19.
“Dù công việc vẫn chưa hoàn thành, tôi cảm thấy thoải mái khi dừng lại tại thời điểm này khi đội ngũ kỹ sư của Uber đã đạt được năng suất cao nhất. Chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống quy mô, ổn định và chuẩn bị tốt để đối mặt với tương lai. Đó là sự nỗ lực lớn và tôi rất tự hào về những gì đội ngũ của chúng tôi đã làm được”, Thuận Phạm nói trong một thông báo.
Đầu quân cho “Amazon Hàn Quốc”
Rời Uber sau 7 năm gắn bó, Thuận Phạm dự định dành thời gian để giảng dạy và cố vấn cho các startup thay vì gia nhập một tập đoàn công nghệ khác. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2020, hãng thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc Coupang thông báo đã chiêu mộ cựu CTO Uber về làm giám đốc công nghệ.
“Tôi đã từng nghĩ sẽ không bắt đầu lại với một vị trí điều hành ở một công ty và nếu có, tiêu chuẩn sẽ rất cao. Nhưng Coupang thực sự là một công ty thú vị hơn những gì tôi đã từng làm ở Uber”, Thuận Phạm chia sẻ với TechCrunch.
Sau khi gặp gỡ CEO Coupang Bom Kim, Thuận Phạm cho biết ông bị hấp dẫn bởi cơ hội được áp dụng kinh nghiệm của mình tại Uber vào một công ty trong lĩnh vực khác.
CTO gốc Việt nói ông không quan tâm đến làm việc tại một doanh nghiệp gọi xe công nghệ khác, nhưng lại thấy nhiều điểm tương đồng trong thương mại điện tử theo yêu cầu. Ví dụ: cả hai đều phải định tuyến cho tài xế đón khách (hoặc trong trường hợp của Coupang là gói hàng) và trả khách hiệu quả nhất có thể. Cả hai đều cần sử dụng mức giá linh hoạt để đáp ứng cung và cầu, điều này theo ông là rất phù hợp trong lĩnh vực giao hàng tạp hóa tươi sống.
“Có rất nhiều thách thức mà bạn phải lo lắng, từ góc độ nhân tài, góc độ công nghệ, góc độ quy trình hậu cần... Tôi nhận ra rằng rất nhiều điều tôi học được ở công ty trước đây thực sự có thể áp dụng tại Coupang”, ông nói.
Coupang là hãng thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc về thị phần. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Coupang được CEO Bom Kim thành lập năm 2010. Ông Kim từng bỏ ngang khi đang theo học Trường kinh doanh Harvard để thực hiện các dự án kinh doanh riêng của mình. Chiến lược mà Kim áp dụng tại thị trường nội địa là giảm giá, tăng tốc độ giao hàng, trong đó bao gồm cả dịch vụ giao hàng trong ngày. Ngoài mảng giao đồ ăn, Coupang còn cung cấp cả dịch vụ phát video trực tuyến.
Tháng 3 vừa qua, công ty được mệnh danh là “Amazon Hàn Quốc” này đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công ở New York, Mỹ. Đợt niêm yết của Coupang tại Phố Wall được đánh giá là IPO lớn nhất của một công ty nước ngoài trên sàn chứng khoán New York kể từ khi Alibaba của Jack Ma ra mắt năm 2014.