Theo đó, Mỹ đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. "Thời kỳ được mô tả là sự gắn bó sâu rộng giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc. Chính sách của Mỹ với Trung Quốc giờ đây sẽ vận hành theo một loạt các tham số chiến lược mới và mô hình thống trị sẽ là sự cạnh tranh", ông Campbell nhấn mạnh.
Theo ông Campbell, các chính sách của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình là lý do chính dẫn tới sự thay đổi sách lược của Mỹ. Một số điển hình được nêu ra là cuộc xung đột quân sự với Ấn Độ ở biên giới, chiến dịch kinh tế chống lại Australia và sự trỗi dậy "ngoại giao chiến lang" của Bắc Kinh. Vị quan chức số 1 của Chính quyền Biden về châu Á còn cáo buộc Bắc Kinh đang quyết tâm đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế nhưng với những cách thức cực đoan hơn.
Những tuyên bố thẳng thừng của ông Campbell là dấu hiệu cho thấy căng thẳng mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp việc Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai vừa có cuộc điện đàm đầu tiên với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Trước cuộc hội đàm, ông Tai đã nói rằng Mỹ và Trung Quốc phải đối mặt với những "thách thức rất lớn". Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ "nhân đôi" nỗ lực để xác định xem liệu virus Covid-19 có thoát ra từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay không.
Ông Biden cũng nhấn mạnh các quan chức Trung Quốc phải minh bạch hơn và Bắc Kinh nên tham gia một "cuộc điều tra quốc tế và cung cấp tất cả các dữ liệu và bằng chứng liên quan" đến đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã lên tiếng bác bỏ cuộc điều tra và gọi đó là "chiến dịch bôi nhọ". Trung Quốc cũng cảnh báo những động thái tương tự sẽ làm tổn hại đến nỗ lực ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Ngoài ra, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, áp lực của Bắc Kinh tại Tân Cương, Hồng Kông hay Đài Loan cũng đang gặp phải những phản ứng từ Mỹ. Vấn đề duy nhất mà Mỹ và Trung Quốc còn cửa hợp tác chính là biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nó không đủ để làm tan băng mối quan hệ của hai cường quốc.
Trong khi đó, Wang Yiwei, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế của Đại học Renmin – một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Mỹ luôn duy trì quan hệ hợp tác có điều kiện với Trung Quốc. Cụ thể, Washington muốn Bắc Kinh chơi theo luật chơi của mình, không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị.
"Mỹ nhận thấy Trung Quốc đang vượt qua nền kinh tế của mình, họ tìm cách kiềm chế Trung Quốc và ngăn chặn Bắc Kinh tiến thêm các bậc trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Wang cáo buộc.
Với những gì đang diễn ra, gần như không còn hy vọng cho một sự đảo chiều mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Thậm chí, người ta còn lo ngại những bất đồng có thể leo thang hơn nữa, thậm chí tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.