Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại hội nghị trực tuyến diễn ra sáng 27-5 về công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay.
Theo đó, trước ý kiến của nhiều địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác chuẩn bị, rà soát, lên phương án cho kì thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Theo Thứ trưởng Độ, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, Thứ trưởng đề nghị các địa phương phải lưu ý 7 nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT sẽ cùng các địa phương phải có tinh thần quyết tâm tổ chức Kỳ thi theo đúng kế hoạch đã đặt ra (tức trong 2 ngày 7 và 8-7). Trừ trường hợp dịch COVID-19 quá phức tạp, nhiều nơi giãn cách xã hội mới tính đến phương lùi kỳ thi hoặc các địa phương sẽ có những đề xuất cụ thể để Bộ GD&ĐT xem xét.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH
Thứ hai, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là một công việc rất quan trọng trong năm học với ngành Giáo dục, đòi hỏi sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Ban Chỉ đạo thi quốc gia đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân rõ người, rõ việc, rõ quy trình, sản phẩm thời gian.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương phải xây dựng được kế hoạch tổng thể về chỉ đạo tổ chức thi. Ban Chỉ đạo thi quốc gia sẽ kiểm tra tại các địa phương, trong đó có nội dung kiểm tra về xây dựng kế hoạch tổng thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ ba, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải rà soát, kiểm soát số lượng thí sinh F0, F1, F2; bố trí điểm thi dự phòng, mỗi điểm thi bố trí phòng thi dự phòng cho đối tượng nghi nhiễm. Việc này cần làm sớm để xây dựng phương án bố trí phòng thi hợp lý.
Thứ trưởng mong mỏi có chế độ vaccine riêng cho thí sinh và cán bộ tham gia Kỳ thi. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa thể có, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thứ tư, theo Thứ trưởng, một trong những việc quan trọng là chọn đúng người, giao đúng việc; chọn người có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để tham gia vào kỳ thi. Trong đó, đặc biệt là những người đứng đầu, nhất là trưởng điểm thi, trưởng ban coi thi, trưởng ban chấm thi….
Thứ năm, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc công tác tập huấn nghiệp vụ thi; nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi. Bộ GD&ĐT đã xây dựng các hướng dẫn cụ thể, cầm tay chỉ việc từng cách làm; những tài liệu này được gửi đến từng trường, từng cán bộ giáo viên tham gia làm thi. Sau tập huấn cần có kiểm tra, đánh giá kết quả.
Thứ sáu, cần chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác cho tổ chức kỳ thi.
Thứ bảy, tại mỗi địa phương, công tác phối hợp với các ngành phải xuyên suốt để bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, như với ngành Công an, Y tế, đoàn thể…. Từ đó, kịp thời xử lý tình huống có thể xảy ra liên quan đến sức khỏe cán bộ, thí sinh hay an ninh trật tự, giao thông trong những ngày thi.