Chiều 27-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Theo báo cáo của Chính phủ (được cập nhật đến ngày 5-5-2021), 117 cơ quan đơn vị (34 bộ ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỉ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 50.628 tỉ đồng, còn tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp là hơn 34.000 tỉ đồng.
Trong số 117 cơ quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỉ đồng, Hà Nội đứng ở vị trí thứ hai với số tiền tiết kiệm hơn 10.287 tỉ đồng.
Tiếp đến là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiết kiệm được hơn 6.558 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội hơn 3.999 tỉ đồng, Bộ Quốc phòng hơn 3.703 tỉ đồng, Bộ Tài chính hơn 2.059 tỉ đồng,…
Các địa phương, đơn vị tiết kiệm được ít nhất: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (327 triệu đồng); Ngân hàng Phát triển Việt Nam (1,3 tỉ đồng); Tổng công ty Lương thực miền Bắc (2,6 tỉ); Bộ Xây dựng (4,5 tỉ đồng); Đài truyền hình Việt Nam (5,7 tỉ đồng).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng bên cạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng. Ảnh: DT
Đáng chú ý, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng nêu tình trạng có bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng mà chưa nêu rõ lý do. Một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn...
Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước; Đánh giá lại các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phòng chống COVID -19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.
Gợi ý thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng bên cạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích kết cấu, nội dung báo cáo này xem đúng quy định hay chưa, có bám sát chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2020; những kết quả cụ thể, những hạn chế, tồn tại cần khắc phục…. nhằm bảo đảm công tác này càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến sâu vào nội dung cụ thể trong lĩnh vực lãng phí, tiết kiệm, những thành tích, ưu điểm căn bản và những tấm gương của các bộ, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (cả về nhân lực, vật lực, tài lực).
Văn phòng Quốc hội ủng hộ 350 triệu đồng chống COVID-19 Sáng 27-5, Công đoàn Văn phòng Quốc hội đã phát động quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là việc làm nhằm chia sẻ khó khăn, chung tay góp sức phòng, chống dịch; phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Bùi Văn Cường đề nghị tất cả đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội tích cực hưởng ứng, đóng góp với mức 1 ngày lương trở lên. Ngay sau lễ quyên góp, Văn phòng Quốc hội đã chuyển 350 triệu đồng đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |