Báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài viết “306 giáo viên ở 1 trường Cao đẳng thiếu chứng chỉ kỹ năng nghề” nói về việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đào tạo, bồi dưỡng đối với 306 giáo viên để đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề.
Sau khi đăng tải, nhiều người cho rằng một số giáo viên là tiến sĩ cũng phải học… kỹ năng nghề là chưa hợp lý. trả lời Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng những thông tin trên chưa thực sự đầy đủ.
Giáo viên dạy tích hợp mới cần chứng chỉ kỹ năng nghề
.PV: Vậy quy định hiện hành có bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành không thưa bà ?
+ Bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Pháp luật hiện hành chỉ quy định chứng chỉ kỹ năng nghề đối với giáo viên dạy thực hành, hoặc dạy tích hợp (vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành) trình độ trung cấp, cao đẳng.
Cạnh đó, thông tư 21/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên giáo dục nghề nghiệp, cũng quy định tùy theo cấp trình độ giảng dạy, giáo viên là nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú trở lên, hoặc có chứng nhận bậc thợ hoặc tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề, tốt nghiệp trình độ cao đẳng (theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014) là đạt chuẩn về kỹ năng nghề để giảng dạy thực hành, dạy tích hợp.
Giáo viên dạy thực hành phải đạt chuẩn kỹ năng nghề. Ảnh: V.LONG
Như vậy, những giáo viên này không cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên giảng dạy thực hành, tích hợp trong thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu Bộ LĐ-TB&XH ban hành các văn bản công nhận đủ chuẩn để dạy thực hành, tích hợp trình độ trung cấp, cao đẳng cho hàng nghìn giáo viên giảng dạy các ngành, nghề thuộc lĩnh vực đặc thù như y tế, giao thông.
Song song đó, công nhận các chứng chỉ chứng nhận trình độ kỹ năng nghề của giáo viên giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài tương đương chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề.
.Vậy việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đào tạo, bồi dưỡng cho 306 giáo viên để đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề có phù hợp ?
+ Theo các báo cáo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, toàn bộ 306 giáo viên được nhà trường bố trí, phân công giảng dạy 19 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 15 ngành, nghề trình độ trung cấp không có giáo viên nào có hồ sơ chứng minh đạt chuẩn về trình độ kỹ năng để giảng dạy các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định.
Nhà trường cũng báo cáo chỉ bố trí, phân công 306 giáo viên giảng dạy tích hợp, giảng dạy thực hành một số môn học, mô đun và giảng dạy tích hợp liên môn trong chương trình đào tạo của 19 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng; 15 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp (mỗi giáo viên giảng dạy tối thiểu là 2 mô đun, môn học; tối đa là 11 mô đun, môn học).
Trường cũng không bố trí riêng giáo viên để giảng dạy lý thuyết, trừ giáo viên giảng dạy các môn học chung.
Như vậy, căn cứ hồ sơ chứng minh về trình độ kỹ năng nghề và phân công giáo viên giảng dạy của nhà trường, việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị trường phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với 306 giáo viên để đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề là đúng quy định của Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Quy định đã có từ lâu
. Nhiều giáo viên cho rằng việc đề ra chứng chỉ kỹ năng nghề đối với giáo viên thực chất là “giấy phép con” trong ngành cần phải loại bỏ. Quan điểm của tổng cục về vấn đề này như thế nào?
+ Với mục tiêu đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được cấu trúc với 50-75% thời lượng dành cho thực hành.
Theo đó, đối với mỗi ngành nghề đào tạo, yêu cầu khoảng 50-75% giáo viên có năng lực giảng dạy thực hành, dạy tích hợp.
Vì vậy quy định giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy thực hành, dạy tích hợp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề không phải là quy định mới. Quy định này rất cần thiết nhằm nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho giáo viên giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng mục tiêu giáo dục nghề nghiệp.
. Xin cám ơn bà!