Số trước, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh việc Đoàn Luật sư (LS) TP.HCM và Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) có quan điểm khác nhau trong việc xác định nơi đăng ký người tập sự hành nghề LS. Nhiều ý kiến cho rằng quan điểm của Đoàn LS TP.HCM đúng quy định khi xác định người tập sự phải đăng ký tại đoàn LS ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS.
Chỉ có một cách hiểu
Trước đó, Cục Bổ trợ tư pháp có văn bản trả lời Chi nhánh Công ty Luật T. và Chi nhánh Công ty Luật Y. tại TP.HCM, cho rằng người tập sự LS có thể đăng ký tại đoàn LS nơi tổ chức hành nghề LS có chi nhánh.
Theo LS Tạ Minh Trình, Đoàn LS TP.HCM, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 19/2013 của bộ trưởng Bộ Tư pháp (hướng dẫn tập sự hành nghề LS) quy định việc đăng ký tập sự được thực hiện tại đoàn LS nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS nhận tập sự.
Các ý kiến cho rằng việc tập sự luật sư phải đăng ký tại đoàn luật sư, nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư. Trong ảnh: Luật sư bào chữa cho thân chủ tại một phiên tòa ở TAND cấp cao tại TP.HCM.
Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Hiện nay có cách hiểu khác nhau giữa khái niệm “tổ chức hành nghề LS” và “tổ chức hành nghề LS nhận tập sự”. Cụ thể, khoản 1 Điều 32 Luật LS 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định “tổ chức hành nghề LS” là công ty luật và văn phòng (VP) LS.
Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 19 nêu trên xác định “tổ chức hành nghề LS nhận tập sự” là VPLS; công ty luật; chi nhánh của VPLS, công ty luật; chi nhánh của tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam; công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.
Theo LS Trình, Thông tư 19 xây dựng khái niệm “tổ chức hành nghề LS” đã và đang quy định các đối tượng được xác định rộng hơn Luật LS. Điều này dẫn đến việc tranh cãi trong vấn đề xác định nơi đăng ký người tập sự hành nghề LS.
Tuy nhiên, việc tập sự cần phải đăng ký tại nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS (tức công ty luật, VPLS) chứ không phải nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS nhận tập sự (bao gồm cả nơi đặt trụ sở chi nhánh của công ty luật, VPLS).
Bởi lẽ, theo quy định tại đoạn cuối khoản 3 Điều 4 Thông tư 19 thì chi nhánh của tổ chức hành nghề LS Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được nhận người tập sự hành nghề LS khi có ủy quyền bằng văn bản của người đứng đầu tổ chức hành nghề LS hoặc giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.
Như vậy, việc chi nhánh tổ chức hành nghề LS thực hiện nhận tập sự được hiểu là đại diện cho tổ chức hành nghề LS để nhận tập sự. Chi nhánh tổ chức hành nghề LS không có tư cách pháp nhân và không được tự nhân danh mình để nhận người tập sự hành nghề LS. Mọi quyền và nghĩa vụ về việc tiếp nhận và thực hiện thủ tục đăng ký người tập sự hành nghề LS phải được xem là do tổ chức hành nghề LS thực hiện.
LS Trình nói: “Việc đăng ký tập sự cần phải được thực hiện tại nơi tổ chức hành nghề LS đặt trụ sở để đảm bảo phù hợp cho việc quản lý của cơ quan có thẩm quyền đối với chuyên môn và hoạt động của tổ chức hành nghề LS”.
Trao đổi nhanh với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Liên đoàn LS Việt Nam cho biết Đoàn LS TP.HCM đã gửi văn bản, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, phía Liên đoàn LS cũng sẽ nghiên cứu và họp sau. |
Tổ chức hành nghề luật sư chỉ có hai chủ thể
LS Trịnh Văn Hiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam, phân tích: Khoản 1 Điều 4 Thông tư 19 quy định người muốn tập sự hành nghề LS lựa chọn và thỏa thuận với một tổ chức hành nghề LS để tập sự hành nghề LS. Điều khoản này xác định rõ là tổ chức hành nghề LS, tức chỉ có công ty luật và VPLS.
Còn khoản 1 Điều 5 Thông tư 19 mà Cục Bổ trợ tư pháp đề cập “việc đăng ký tập sự được thực hiện tại đoàn LS nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS nhận tập sự” có nghĩa khác. Tức là sau khi người tập sự được tổ chức hành nghề LS chấp nhận cho tập sự thì tùy tình hình và nhu cầu của tổ chức hành nghề LS cũng như người tập sự mà tổ chức hành nghề LS có thể ủy quyền cho chi nhánh nhận hướng dẫn tập sự.
Tuy nhiên, tổ chức hành nghề LS vẫn là người giám sát quá trình tập sự của người tập sự hành nghề LS tại chi nhánh và phải chịu trách nhiệm đối với việc nhận tập sự của chi nhánh.
Vì vậy, theo LS Hiệp, quan điểm của Đoàn LS TP.HCM là đúng, việc đăng ký tập sự phải được thực hiện tại đoàn LS, nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS chứ không phải đoàn LS, nơi có trụ sở của chi nhánh. “Hiện tôi là trưởng một chi nhánh VPLS tại TP.HCM và trước nay đều thực hiện nhận tập sự như phân tích ở trên” - LS Hiệp nói.
Đồng tình, LS Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận, cho rằng chi nhánh không phải là tổ chức hành nghề LS và không có quyền nhận tập sự LS. Khi tổ chức hành nghề LS là VPLS hoặc công ty luật nhận đăng ký tập sự LS thì tùy điều kiện thuận lợi của người tập sự sẽ phân công cho chi nhánh hướng dẫn tập sự.
Do đó, việc đăng ký tập sự phải được thực hiện tại đoàn LS, nơi có trụ sở của VPLS hoặc công ty luật chứ không phải trụ sở chi nhánh. LS Thiện cũng cho biết từ trước đến nay, việc nhận tập sự LS tại Đoàn LS tỉnh Bình Thuận đều thực hiện như trên.
Đoàn luật sư không thực hiện là hợp lý Theo Điều 14 Luật LS 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), người có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề LS và người quy định tại khoản 2 Điều 16 (người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành tòa án…) được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề LS. Người tập sự hành nghề LS đăng ký tập sự tại đoàn LS ở địa phương, nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS mà mình tập sự và được đoàn LS cấp giấy chứng nhận người tập sự hành nghề LS. Như vậy, theo Luật LS thì việc đăng ký tập sự phải tại đoàn LS ở địa phương, nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS, chứ không phải nơi có trụ sở của chi nhánh. Cạnh đó, khoản 3 Điều 4 Thông tư 19/2013 về hướng dẫn tập sự hành nghề LS thì nhận và đăng ký là khác nhau, đăng ký là “phần đầu”, tức đoàn LS ở địa phương, nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề LS, còn “nhận” chỉ là nơi làm việc. Hay nói cách khác, chi nhánh của tổ chức hành nghề LS chỉ là nơi nhận làm chứ không thể là nơi đăng ký. Cạnh đó, về tính chất, công văn là loại văn bản hành chính được sử dụng để giải quyết các công việc cụ thể diễn ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nói cách khác, công văn là văn bản sử dụng trong quá trình quản lý, điều hành đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong cùng hệ thống (cơ quan quyền lực, hành chính, kiểm sát, xét xử) nhằm trao đổi thông tin khi giải quyết công việc, hướng dẫn thực hiện công tác. Ngoài ra, công văn còn được sử dụng nhằm đề nghị những vấn đề đang còn ách tắc cần giải quyết kịp thời; giải thích một sự việc đã và đang xảy ra ở một cơ quan, đơn vị hoặc giữa các cơ quan, đơn vị trong cùng hệ thống với nhau. Công văn không phải là văn bản để chỉ đạo, để ràng buộc các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống, bởi chức năng đó của các quyết định quản lý nhà nước. Do Công văn số 318 của Cục Bổ trợ tư pháp không chứa đựng quy tắc chỉ đạo, tác động đến đối tượng bên ngoài hệ thống nên Đoàn LS TP không thực hiện theo cũng là hợp lý. TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Luật TP.HCM |