vĐồng tin tức tài chính 365

Taxi truyền thống thoi thóp tìm “phao cứu sinh” giữa tâm dịch Covid-19

2021-05-28 10:31

Doanh nghiệp taxi đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Những “trận đánh úp” của  Covid-19 trong gần 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải khi liên tục bùng phát vào đúng các dịp cao điểm đi lại. Chưa kịp phục hồi sau những tổn thương từ Covid-19, đợt dịch thứ 4 này lại bồi thêm “cú đấm trời giáng” khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lâm vào bế tắc, hoạt động cầm chừng.

Không nằm ngoài tấn bi kịch của ngành vận tải, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng “vật lộn” trong vòng xoáy thua lỗ, nợ nần. Bởi, nếu các hãng xe công nghệ còn có thêm loại hình giao hàng, giao đồ ăn để “bù đắp” khoản hụt thu từ vận chuyển hành khách, thì các doanh nghiệp taxi truyền thống chỉ có duy nhất một loại hình. Vì vậy, khi dịch bùng phát, nhu cầu đi lại giảm mạnh thì các doanh nghiệp này là đối tượng dễ bị thiệt hại, tổn thương nhiều nhất.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến CTCP Tập đoàn Mai Linh  - “ông hoàng taxi” một thời gánh khoản lỗ khủng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 vừa công bố, doanh thu của Mai Linh giảm 29% so với năm trước, xuống còn 1.574 tỷ đồng.

Doanh thu không đủ bù đắp chi phí đã khiến doanh nghiệp báo lỗ ròng hơn 173 tỷ đồng, cao gấp 33 lần so với khoản lỗ năm 2019, nâng tổng lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2020 lên gần 1.210 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản nợ phải trả tính đến 31/12/2020 của Tập đoàn Mai Linh lên đến 4.309 tỷ đồng, chiếm 96% tổng tài sản (4.481 tỷ đồng). Ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh cho biết, ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách sụt giảm mạnh, kéo theo doanh thu và lợi nhuận cùng lao dốc.

Cùng chung cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, doanh thu cả năm 2020 Vinasun chỉ đạt 1.006 tỷ đồng, giảm phân nửa so với năm 2019.

Bốn quý liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn khiến khoản lỗ ròng cả năm 2020 của Vinasun vượt trên 210 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử niêm yết doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ.

Tài chính - Ngân hàng - Taxi truyền thống thoi thóp tìm “phao cứu sinh” giữa tâm dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 khiến doanh thu và lợi nhuận của Vinasun sụt giảm mạnh

Sang đến quý I/2021, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này cũng không khởi sắc hơn khi doanh thu giảm 39%, chỉ đạt 222 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu vận chuyển hành khách bằng taxi chỉ còn 186 tỷ đồng, giảm 133 tỷ đồng so với cùng kỳ. Kết quả, chỉ trong 3 tháng đầu năm, Vinasun báo lỗ hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản lỗ này chỉ ghi nhận 17 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Phó Tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Taxi Vinasun cho biết, ngành vận tải nói chung và ngành taxi nói riêng đang trong tình trạng “tai nạn kép” khi liên tục phải hứng chịu những khó khăn từ đại dịch Covid-19.

Ông Hỷ cho biết, sau một năm thua lỗ thảm hại, Vinasun kỳ vọng nhu cầu di chuyển tăng cao trong dịp lễ tết sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi trong quý I/2021. Song, dịch bệnh liên tục bùng phát vào những dịp cao điểm đi lại khiến ban lãnh đạo công ty không thể lường trước.

Đặc biệt, việc người dân hạn chế đi lại khiến lượng khách giảm sâu. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, lượng khách tại TP.HCM giảm 50-60%, lượng khách tại vùng dịch như Hà Nội, Đà Nẵng giảm 80-90%.

“Mặc dù nguồn thu giảm mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn phải “gồng gánh” hàng loạt chi phí khi giá xăng dầu liên tục tăng, phí đường bộ không giảm, lệ phí bến bãi vẫn phải nộp đủ. Tình trạng thu không đủ bù chi đang đẩy các doanh nghiệp vận tải vào thế “ngàn cân treo sợi tóc ”, ông Hỷ cho hay.

Taxi truyền thống “kêu cứu” vì dịch Covid-19

Trước những khó khăn đó, mới đây Hiệp hội taxi ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) vừa có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải để vượt qua khó khăn bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

Theo đại diện các Hiệp hội Taxi ba miền, dịch COVID-19 đã trở lại ở nhiều tỉnh thành, lượng hành khách giảm đến 80-90% khiến nhiều doanh nghiệp gần như bị tê liệt hoạt động. Từ đó dẫn đến doanh thu sụt giảm thê thảm, người lao động không có thu nhập. Hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp taxi đang có tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng cao và đứng trước nguy cơ phá sản.

Hiệp hội mong muốn Chính phủ chấp thuận việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về 0% trong khoảng 6 tháng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Cùng với đó giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô mới đăng ký với mục đích kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đề xuất doanh nghiệp sẽ nhận được các giải pháp hỗ trợ về vốn trong bối cảnh kinh doanh không khả quan. Cụ thể là giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về việc đóng bảo hiểm xã hội, hiệp hội cũng đề xuất các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Đối với các doanh nghiệp vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 và không tính lãi chậm  nộp.

Ngoài ra, hiệp hội còn đề xuất cho các doanh nghiệp vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021 và điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải 24 tháng đối với chu kỳ đầu và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng.

Được biết, vào tháng 4/2021, Bộ Giao thông Vận tải cũng từng kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách ưu đãi vốn vay, giảm thuế phí, giãn thời hạn nộp thuế...để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp để vượt qua đại dịch

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, hơn một năm với 4 đợt dịch bùng phát đã khiến các doanh nghiệp vận tải chịu nhiều tổn thất, khó khăn cùng cực.

Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải nói chung và các doanh nghiệp taxi nói riêng đều mong muốn nhà nước xem xét việc giảm các chi phí như thuế VAT, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội...

Năm 2020, Chính phủ cũng đưa ra những gói cứu trợ, những giải pháp để phát triển kinh tế xã hội trong thời điểm dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp trước những khó khăn của dịch bệnh. Điển hình là Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021 hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.

Song các gói hỗ trợ từ trước đến nay là cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn, hầu như chưa có chính sách hỗ trợ cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể.

Tài chính - Ngân hàng - Taxi truyền thống thoi thóp tìm “phao cứu sinh” giữa tâm dịch Covid-19 (Hình 2).

Luật sư Phạm Hồng Kiên cho rằng nhà nước nên ban hành chính sách hỗ trợ cho từng ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

“Đặc biệt, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, song ngành vận tải hầu như chưa có một chính sách hỗ trợ riêng, trong khi lại phải gánh thêm quá nhiều chi phí. Vì vậy, thay vì ban hành chính sách hỗ trợ chung chung, dàn trải cho tất cả đối tượng, thì Nhà nước nên xem xét tạo chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể”, Luật sư Phạm Hồng Kiên cho hay.

Cũng bàn về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính sách cần được ban hành càng sớm càng tốt để doanh nghiệp vận tải nói riêng và các doanh nghiệp nói chung có cơ hội duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi trong thời gian tới.

Nếu chậm được hỗ trợ, doanh nghiệp càng bị kiệt quệ, sẽ khó phục hồi và nguồn thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng. Bởi, khi dịch bệnh xảy ra thì các chi phí để chống dịch rất lớn, trong khi đó doanh nghiệp khó khăn thì các nguồn thu từ thuế, phí cũng giảm sút.

Do đó, một trong những giải pháp để kích thích phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh là giảm các khoản chi phí cho doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, việc xem xét giảm loại thuế nào, phí nào, dành cho những đối tượng nào thì cần phải có cân nhắc kỹ lưỡng để thực hiện mục tiêu kép là vừa thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, cơ quan quản lý nên tạo một cầu nối giữa doanh nghiệp với các ngân hàng, tổ chức tài chính để cùng tìm ra biện pháp chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua đại dịch”, Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

 

Xem thêm: lmth.308515a-91-divoc-hcid-mat-auig-hnis-uuc-oahp-mit-poht-ioht-gnoht-neyurt-ixat/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Taxi truyền thống thoi thóp tìm “phao cứu sinh” giữa tâm dịch Covid-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools