Từ khóa tâm lý đại dịch Covid-19: #languishing
Nguyên - Kan
(KTSG) - Đại dịch kéo dài hơn đa số mọi người nghĩ và cũng làm thay đổi các kế hoạch ứng phó với dịch đã lập ra ban đầu. Những việc cần làm cũng đã làm xong mà trạng thái “bình thường mới” nay cũng không thể nói là bình thường được.
Một người chị ở Anh than phiền rằng chị không tập trung làm việc được, ngồi vào bàn muốn viết lách đôi chút mà cứ mở hết video này đến video khác để xem; một ngày kiểm tra e-mail hàng chục lần và có khi chị dành tới 4-6 tiếng đồng hồ lướt mạng xã hội. Đứa em ở Đức thì cày phim Netflix tới tận đêm khuya. Người bạn ở Mỹ mê thể thao giờ đây nằm dài trên giường tới 8 giờ sáng vẫn chưa muốn dậy.
Còn tôi, đã bao lâu rồi tôi còn không buồn cầm thỏi son lên để quẹt vào môi? Để làm gì cơ chứ khi ra đường chúng tôi đều phải đeo khẩu trang kín mít, đôi khi còn lướt qua cả người quen mà không nhận ra.
Covid-19 mãi vẫn chưa dừng lại, chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động thiết yếu, như ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc và giải trí. Tuy nhiên, chúng tôi thường cảm thấy không vui vẻ và không có mục đích. Dường như chúng tôi đều đang trong trạng thái hờ hững chờ đợi đại dịch qua đi để cuộc sống trở lại như cũ.
Bỗng dưng bị mắc kẹt
Nhà tâm lý học Adam Grant đã gọi hiện tượng tâm lý này là “languishing” - cảm giác chán nản, uể oải vì mắc kẹt lâu trong một tình huống không mấy dễ chịu. Grant ví tình trạng “languishing” như đứa con giữa bị lãng quên - nó không phải là thăng hoa cũng không phải là tuyệt vọng. Bạn không có các triệu chứng tâm lý tiêu cực, nhưng bạn cũng không cảm thấy bằng an.
Đơn giản là cơ thể bạn đang vận hành một cách hững hờ, mất dần động lực, thiếu sự tập trung và làm việc kém hiệu quả. Mặc dù giờ đây được làm việc tại nhà, tiết kiệm được thời gian đi lại, chuẩn bị cho mình bữa trưa tử tế hơn và thậm chí có thể tận hưởng một giấc ngủ ngắn giữa ngày, bạn vẫn không cảm thấy vui vẻ hơn cuộc sống bận rộn trước kia.
Điều nguy hiểm là, theo Adam Grant, bạn có thể không nhận ra sự uể oải, chán chường của chính mình. Bạn không biết rằng mình đang dần rơi vào sự cô đơn, mất động lực, mất phương hướng và kết quả là bạn thờ ơ với chính sự thờ ơ của mình. Khi không nhận ra vấn đề của mình, bạn sẽ không tìm kiếm sự giúp đỡ hay làm gì để giúp chính mình.
Thế nhưng, trạng thái tinh thần “languishing” lại chưa được quan tâm. Điều tốt nhất mà các nhà khoa học có thể làm đến thời điểm này là gọi tên(*) trạng thái đó.
Duy trì trạng thái Dòng chảy
Adam Grant cho rằng trong lúc chờ đợi những khám phá mới từ các nhà khoa học, nếu bạn cảm thấy mình bị rơi vào trạng thái languishing, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để vực dậy tinh thần trong thời điểm khó khăn này. Trạng thái Dòng chảy là cảm giác khi bạn đặt hoàn toàn tâm trí vào hoạt động mình đang thực hiện mà quên đi không gian hay thời gian.
Trạng thái Dòng chảy được xem là chỉ số tốt nhất cho tình trạng bình an trong đại dịch, chứ không phải là tinh thần lạc quan hay tỉnh thức. Khi tìm thấy những hoạt động gây hứng thú mới, những trải nghiệm thú vị hay những công việc có ý nghĩa, bạn sẽ dễ dàng đưa tâm trí vào trạng thái Dòng chảy và nhờ đó hạn chế được tình trạng chán nản và uể oải.
Tuy nhiên, Grant cũng cho rằng trạng thái Dòng chảy khó có thể thực hiện hoặc duy trì nếu bạn không thể tập trung, nhất là trong trước những thứ cám dỗ trên Internet đang mời gọi. Khả năng tập trung lại càng trở nên thách thức hơn trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là khi phải thực thi các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc.
Adam Grant cũng khuyên mọi người hãy thiết lập giới hạn cho bản thân bằng những khoảng thời gian không bị gián đoạn và thiết lập những mục tiêu nhỏ và có thể thực hiện được. Một trong những con đường rõ ràng nhất để đưa tâm trí vào Dòng chảy là đương đầu với một thử thách có thể giải quyết được: điều này sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng và nâng cao lòng quyết tâm.
Hãy tập trung vào những thử thách có ý nghĩa đối với bạn: đọc ba trang sách mỗi ngày, tập thể dục 10 phút, hay tập trung công việc mà không liếc qua điện thoại trong vòng 25 phút. Mỗi thành tựu nho nhỏ chắc chắn sẽ giúp bạn tạo ra hormon hạnh phúc.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, thực hành phương pháp thiền của Sư Ông Thích Nhất Hạnh cũng có thể giúp chúng ta loại bỏ tạp niệm và bước chân vào an trú trong hiện tại.
(*) Các nhà tâm lý học tin rằng việc gọi tên trạng thái cảm xúc là một trong những chiến lược hữu hiệu để quản trị cảm xúc: https://ideas.ted.com
Xem thêm: lmth.gnihsiugnal#-91-divoc-hcid-iad-yl-mat-aohk-ut/776613/nv.semitnogiaseht.www