Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nam Định, giá thép và giá vật liệu xây dựng tăng, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỉ đồng thì có thể bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.
Doanh nghiệp phải tạm giãn tiến độ thi công vì thép tăng giá
Ngày 28.5, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cho biết, hiệp hội này vừa có văn bản gửi các cơ quan có liên quan về tình hình giá vật liệu đầu vào tăng cao.
Trong đó, đặc biệt là mặt hàng thép các loại, giá tăng rất mạnh. Một số vật liệu còn xảy ra khan hiếm bất thường như cát xây dựng.
Tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, theo Hiệp hội, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỉ đồng thì có thể bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.
Còn đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại vật liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải tạm giãn tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường.
Bên cạnh đó, việc bùng phát dịch COVID-19 cũng khiến một số doanh nghiệp xây dựng phải dừng thi công, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế chung.
Không thể điều tiết giá thép trong một sớm một chiều
Ông Nguyễn Tùng – Ban Quản lý xây dựng Công ty AZ Thăng Long cho Lao Động biết, thời gian này, giá thép tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp xây dựng “méo mặt”. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá thép phi 6 Việt Mỹ phục vụ cho công trình xây thô chỉ 3,5 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 4 triệu đồng/m2.
“Giá thép tăng cao khiến doanh nghiệp xây dựng như chúng tôi rất “ngại” nhập thép ở thời điểm này. Tuy nhiên, khi làm công trình, chúng tôi và chủ đầu tư phải có cam kết về tiến độ, nếu chậm tiến độ thì bị phạt nặng, cho nên vẫn phải ngậm ngùi nhập thép”, ông Tùng cho hay.
Một doanh nghiệp xây dựng khác cho biết, thực tế không chỉ thép mà còn nhiều nguyên vật liệu khác tăng giá. Đối với mặt hàng cát, vị này cho biết đã xảy ra tình trạng khan hiếm từ lâu.
"Dù không tăng liên tục và khủng khiếp như thép, nhưng việc tăng giá cát và khan hiếm mặt hàng này cũng gây khó khăn không nhỏ đối với những nhà thầu như chúng tôi", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào cao. Cùng kỳ năm ngoái, giá quặng là 90 USD/tấn, nhưng hiện nay giá quặng đã lên 193 USD/tấn.
Trong khi đó, nhu cầu hiện hữu rơi vào khoảng 15 triệu tấn quặng sắt mỗi năm nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Hay giá thép phế, trước đó là 260 USD/tấn, đến nay đã rơi vào khoảng 430 USD/tấn.
"Thực tế, Việt Nam đang rất lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Trong nước, với thép chế tạo, Fomasa sản xuất được 3,5 - 4,5 triệu tấn, Hoà Phát sản xuất được 600 nghìn tấn. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn thép mỗi năm. Điều này dẫn đến việc giá thép leo cao", ông Thành phân tích.
Nói về việc có hay không tình trạng các doanh nghiệp sản xuất găm hàng, ép giá, ông Thành cho rằng, việc "đầu cơ" khó xảy ra, vì thép đòi hỏi vốn tương đối lớn.
Về phần mình, Bộ Công Thương cũng thường xuyên theo sát thị trường nếu có hiện tượng bán phá giá, bộ sẽ có biện pháp phòng vệ thương mại.