Tờ South China Morning Post ngày 27-5 dẫn nghiên cứu của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á cho biết Philippines 2 tháng qua đã "tăng đáng kể" số lượng tàu thuyền tuần tra ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Động thái này diễn ra sau các cuộc chạm trán với tàu tuần duyên và tàu dân quân của Trung Quốc.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (có trụ sở tại Washington) cho biết từ ngày 1-3 đến ngày 25-5 tổ chức này đã quan sát thấy "13 tàu thực thi pháp luật hoặc quân sự của Philippines đã đến các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough tổng cộng 57 lần".
Đây là một sự gia tăng đáng kể so với 10 tháng trước đó, khi Philippines chỉ có ba tàu và chỉ thực hiện tổng cộng bảy chuyến tuần tra ở các địa điểm tranh chấp.
Tàu tuần duyên Philippines. Ảnh: PHILIPPINES COAST GUARD
Các cuộc tuần tra không chỉ thường xuyên hơn mà còn mở rộng phạm vi đến bốn khu vực đang có tranh chấp khác.
Trước tháng 3 năm nay, các cuộc tuần tra chủ yếu đến và đi từ đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng trái phép).
Tuy nhiên, các cuộc tuần tra gần đây được thực hiện ở bãi Cỏ Mây (của Việt Nam, Philippines chiếm đóng trái phép, nhưng Trung Quốc tuần tra hàng ngày); đá Ba Đầu (của Việt Nam), nơi hàng trăm tàu dân quân của Trung Quốc gần đây được phát hiện tập trung tại đây; bãi cạn Sabina (của Việt Nam) không có người ở gần bãi Cỏ Mây; và Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện thường xuyên kể từ năm 2012, theo AMTI.
Một tàu tuần duyên Philippines. Ảnh: PHILIPPINES COAST GUARD
Nhóm nghiên cứu nói rằng từ dữ liệu vệ tinh, họ không thể xác minh tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon ngày 4-5 rằng lực lượng tuần duyên và tàu dân quân của Trung Quốc đang tham gia vào "các cuộc diễn tập nguy hiểm".
Tuy nhiên, dữ liệu theo dõi cho thấy khi lực lượng tuần duyên Philippines cử 4 tàu gồm BRP Gabriela Silang, BRP Sindangan, BRP Habagat và MCS 3005 vào trong phạm vi 10 hải lý của bãi cạn Scarborough, họ đã bị các tàu tuần duyên 3301 và 3102 của Trung Quốc phát hiện.
"Chiếc đầu tiên bắt đầu bám theo MCS 3005 khi nó vòng quanh một bên của Scarborough. Trong khi đó, chiếc thứ hai theo đuổi sát Habagat ở phía ngược lại trước khi tiến về phía chiếc Gabriela Silang. Hình ảnh vệ tinh chụp lúc 9h50 sáng theo giờ địa phương đã cho thấy chiếc CCG 3102 chỉ cách Habagat 400 m" - theo báo cáo của AMTI.
Cũng theo AMTI, trong các cuộc tuần tra này, các tàu của Philippines hầu như luôn bị các Trung Quốc vượt mặt và lấn lướt. Điển hình như trong trường hợp trên, tàu kéo Habagat chỉ dài 27 m, chưa bằng một nửa kích thước của chiếc CCG 3102 (73 m).
Khi được hỏi tại sao Manila tăng cường tuần tra, giám đốc AMTI Gregory Poling nói: "Hành động của Philippines thực chất xuất phát từ lo lắng rằng Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila, chứ nước này không định chiếm đóng các thực thể trong khu vực".
Ông đề cập thông báo của chính phủ Philippines vào ngày 20-3 rằng quân đội nước này đã ghi nhận được hơn 220 tàu dân quân Trung Quốc xuất hiện tại đá Ba Đầu trong những tuần trước đó.
Ngoài ra, trong một hội thảo trực tuyến ngày 14-5 do Viện Weatherhead Đông Á thuộc ĐH Columbia tổ chức, ông Poling cho biết các cuộc tấn công của Trung Quốc có khả năng gia tăng do sự "chuyên nghiệp hóa" của lực lượng dân quân biển đóng trên đảo Hải Nam, ngoài khơi bờ biển phía nam của Trung Quốc.