Huế lên kế hoạch phát triển đặc sản tại khu đầm phá lớn nhất Đông Nam Á
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Trong tháng 9-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế sẽ trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đề án Phát triển thủy đặc sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giai đoạn 2021-2025.
Mưu sinh trên vùng đầm phá Tham Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nhân Tâm |
Tiềm năng và thách thức
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế được xem là hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với diện tích gần 22.000 ha mặt nước, kéo dài trên 68km dọc bờ biển của Thừa Thiên Huế, thuộc địa phận bốn huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.
Theo ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, phần lớn, các huyện thị xã ở Thừa Thiên Huế đều có vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Trong đó, huyện Phú Vang có diện tích nuôi lớn nhất, chiếm hơn 57%; huyện Phú Lộc chiếm hơn 21%; còn lại thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền có tỷ lệ nuôi chiếm ở diện tích đầm phá không nhiều.
Hiện nay, mô hình nuôi xen ghép cá-tôm bán chuyên canh và thâm canh đem lại khá hiệu quả, như ở xã Vinh Thanh, Vinh Phú (Phú Vang); Lộc Bình, Vinh Hưng, Giang Hải (Phú Lộc); hay Quảng An, Quảng Phước (Quảng Điền). Một số hộ có thể thu nhập đến 400-500 triệu đồng/năm nhờ từ mô hình nuôi cá lồng.
Không chỉ trở thành vựa cá tôm đặc sản ở Việt Nam, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn được xem là kho tài nguyên vô tận, phát triển các dịch vụ du lịch, dựa trên các mô hình khai thác nuôi trồng các loại thủy sản giúp người dân có đời sống ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng khai thác nuôi trồng các loại thủy hải sản; trong đó có các loại cá đặc hiệu gặp khó khăn, thách thức bởi nhiều yếu tố, như, khí hậu, môi trường nước; hạ tầng nuôi trồng xuống cấp; cách tổ chức quản lý, quy hoạch khai thác, bảo tồn và phát triển ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn bất cập.
Đó là mô hình nuôi trồng hải sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đều nhỏ lẻ, nguồn giống không chủ động; phương thức nuôi chưa đúng quy trình kỹ thuật; thu hoạch sản phẩm chủ yếu bán cho các thương lái, giá không ổn định... Đây là những yếu tố khiến nghề nuôi thủy sản ở đây chưa phát triển bền vững.
Và để nuôi trồng thủy sản ở đây phát triển bền vững, theo các chuyên gia người nuôi phải tiếp cận kỹ thuật nuôi mới; biết tổ chức sản xuất nuôi trồng theo hướng tập trung tạo sản phẩm hàng hóa; mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá tại các khách sạn, nhà hàng...
Nhiều ý kiến cũng cho rằng những yếu tố trong quy trình nuôi thủy sản trên đầm phá này từ đầu vào đến đầu ra là những mắt xích quan trọng. Các mắt xích hoạt động kém hiệu quả thì mối liên kết sẽ khó bền vững. Tuy nhiên, lực cản lớn nhất cho người nuôi thủy sản ở đầm phá là hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, doanh nghiệp và người nông dân (người nuôi) chưa tìm được tiếng nói chung. Đa số các doanh nghiệp chỉ thu mua hải sản qua thương lái và người nuôi chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm.
Mục tiêu phát triển thủy sản bền vững
Vì vậy, xây dựng đề án Phát triển thủy đặc sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giai đoạn 2021-2025 sẽ là giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn, bảo vệ, phát triển, khai thác hợp lý và nuôi trồng bền vững thủy đặc sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thông qua việc nâng cao chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm thủy đặc sản.
Kết quả của đề án sẽ giúp xác định và đánh giá được thực trạng, tiềm năng các loại sản phẩm thủy đặc sản cụ thể của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đánh giá thực trạng và khả năng phát triển mô hình khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, tạo thành chuỗi liên kết dịch vụ và du lịch sinh thái. Đánh giá khả năng phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững có khả năng tạo thành chuỗi liên kết dịch vụ và chế biến tiêu thụ. Đề xuất một số giải pháp đột phá cho bảo vệ và phát triển nguồn giống tự nhiên và nhân tạo bền vững đối với các loại thủy đặc sản đầm phá; các giải pháp bảo vệ, khai thác hợp lý và nuôi trồng bền vững đối với các loại thủy đặc sản đầm phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Về tính hiệu quả đạt được sau khi đề án được triển khai, theo ông Trương Văn Giang, đề án sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế thủy sản và nông thôn thông qua hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản gắn với du lịch, góp phần nâng cao thu nhập của nông hộ, cải thiện đời sống vật chất cho nông dân, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và du lịch.
Đề án cũng sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động tại chỗ và thu hút lao động về nông thôn; góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển nông thôn mới. Đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất mặt nước, tài nguyên thiên nhiên; hạn chế ô nhiễm môi trường; lưu giữ được sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai từ đầu năm 2020. Tổng diện tích Khu bảo tồn là 2.071,5 ha, bao gồm: phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè - Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 799,1 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 1.242,9 ha; phân khu dịch vụ - hành chính: 29,5. Nhằm bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện, như: nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản trên mặt nước tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng hình thức mang tính huỷ diệt (lưới mắt nhỏ, te điện hay giã cào và các hình thức tương tự khác) tại các phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm. Tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới các cơ quan, người dân về các hoạt động nghiêm cấm không được thực hiện, hoạt động có điều kiện tại các phân vùng của khu bảo tồn; giám sát thực hiện. |
- Mời xem thêm