vĐồng tin tức tài chính 365

Hàng loạt công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 được triển khai

2021-05-29 03:41

Hàng loạt công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 được triển khai

Chánh Trung

(KTSG Online) - Các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19, ổn định kinh tế, xã hội… đang được các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai.

Thiết bị khai báo y tế và sàng lọc bệnh nhân tự động của TMA. Ảnh: QTSC

Loạt giải pháp, sản phẩm của Công viên phần mềm Quang Trung

Ngày 28-5 công viên phần mềm Quang Trung TPHCM (QTSC) cho biết đã, đang triển khai nhiều giải pháp, sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. Các sản phẩm, giải pháp này được các doanh nghiệp tại QTSC phát triển, hoàn thiện, đang hoạt động tại QTSC cũng như giới thiệu, chào mời đến các doanh nghiệp khác để sử dụng.

Hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trong mùa dịch

Theo đó QTSC đã hợp tác công ty Lạc Việt triển khai phần mềm họp trực tuyến SureMeet. Đây là giải pháp hội họp (hoặc học tập) trực tuyến trên nền tảng Internet mang tính tương tác, giúp nâng cao hiệu quả các buổi họp (học), giúp giảm chi phí đi lại, không cần tập trung, tận dụng được các đầu tư trước đây như phòng họp, bảng chiếu, camera, microphone…

Phần mềm họp trực tuyến đã được UBND TPHCM, UBND các quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh, quận 7, huyện Bình Chánh, Lực lượng TNXP TPHCM, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và QTSC sử dụng trong suốt những đợt dịch vừa qua.

Công ty TMA Innovation tại công viên phần mềm Quang Trung đã phối hợp cùng QTSC cung cấp ứng dụng cách ly tại nhà StayHome14. Ứng dụng kiểm soát người cách ly tại nhà là hệ thống quản lý được tích hợp với thiết bị đeo thông minh, hỗ trợ các cơ quan chức năng theo dõi và kiểm soát hành vi, tình trạng sức khoẻ của người thuộc diện nghi nhiễm Covid-19 đang phải cách ly tại nhà.

Theo ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc công ty TMA Solutions giải pháp ứng dụng AI và IoT giúp giám sát tình trạng sức khỏe và vị trí của người cách ly thông qua điện thoại và đồng hồ thông minh. Và gửi cảnh báo đến cơ quan quản lý khi có dấu hiệu bất thường về nhiệt độ cơ thể hoặc người cách ly ra khỏi khu vực cách ly.

Còn Hệ thống quản lý camera thông minh (Smart VMS) do Homa một công ty khởi nghiệp trong Khu nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC R&D Labs) có khả năng theo dõi việc tụ tập đông người thì hệ thống có khả năng nhận diện đám đông từ 3 – 5 người. Từ đó đưa ra cảnh báo khi có đám đông tụ tập hoặc cảnh báo khi có người xuất hiện ở khu vực không được phép phù hợp để quán lý, phòng chống dịch Covid-19.

Hệ thống thu thập thông tin về sức khoẻ POD (Personal Online Docket) do công ty Alta Software có văn phòng tại công viên phần mềm Quang Trung phát triển đã đáp ứng được phần lớn yêu cầu của các nhân viên y tế trong bệnh viện, các cơ sở y tế.

Đây là sản phẩm thiết bị phần cứng theo dạng checkin kiosk (một hình thức hành khách tự phục vụ) dành cho các bệnh viện, phòng khám với hy vọng có thể làm giảm tải công việc cho các y bác sĩ trong việc khám chữa bệnh. Các địa điểm đã lắp đặt thử nghiệm gồm Trung tâm Hỗ trợ Dự án và Đổi mới sáng tạo (GIC), bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh Viện Thống Nhất.

QTSC cũng đã phối hợp với công ty TMA Innovation nghiên cứu và phát triển, đưa vào ứng dụng trong thực tế hệ thống nhằm sàng lọc người nghi nhiễm Covid-19. Khi có người đi qua, hệ thống sẽ tự động đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang (nếu người đó không đeo), nếu vượt quá 37,5 độ C thì máy sẽ đưa ra cảnh báo.

Cổng đo thân nhiệt tự động này được áp dụng tại các tòa nhà, khu vực cách ly cần kiểm soát người ra vào nhằm mục đích thay thế người kiểm tra thân nhiệt như hiện nay. Và giúp giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, mang lại tính an toàn cao.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế khi cần hạn chế tiếp xúc gần giữa các cá nhân với nhau giữa mùa dịch, công ty TMA tại QTSC cũng đã nghiên cứu và phát triển thiết bị Khai báo y tế tự động. Đây là thiết bị hỗ trợ khai báo y tế tự động tại các khu vực công cộng, bệnh viện, trường học, tòa nhà,… .

Khi đến những nơi cần khai báo y tế thiết bị sẽ dùng giọng nói hướng dẫn người dùng từng bước và tự động kiểm tra thân nhiệt, nhắc đeo khẩu trang. Sau đó, thiết bị sẽ tự động điền thông tin cho người dùng bằng cách scan CCCD/CMND, nhận diện khuôn mặt, hoặc scan mã QR nếu người dùng đã khai báo online trước đó. Cuối cùng người dùng chỉ cần điền thông tin về sức khỏe của bản thân và nhận mã QR chứng thực được in ra sau khi hoàn tất khai báo y tế.

Đồng bộ, liên thông dữ liệu phục vụ chống dịch

Khai báo y tế điện tử thời gian qua được thực hiện trên trang https://tokhaiyte.vn của Bộ Y tế hoặc thông qua cài đặt và sử dụng một trong các ứng dụng: Bluezone, Tờ khai y tế (Vietnam Health Declaration), NCOVI. Các ứng dụng này cũng được sử dụng để quét mã QR ghi nhận người vào, ra các địa điểm công cộng.

Hệ thống POD phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân ở các bệnh viện tại TPHCM. Ảnh: QTSC

Tuy nhiên, giai đoạn trước vẫn có tình trạng lưu trữ phân tán dữ liệu người dùng khai báo trên các ứng dụng. Thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, thời gian vừa qua, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã họp với các cơ quan Bộ Y tế và thống nhất dữ liệu khai báo y tế, dữ liệu kiểm soát vào ra đều được cập nhật về một nơi để phục vụ nghiên cứu, phân tích phòng chống dịch. Mô hình đồng bộ dữ liệu tổng thể giữa các ứng dụng, cấu trúc gói tin và chuẩn kết nối cũng đã được các đơn vị thiết kế xong trong tuần trước.

Cục Tin học hóa ngày 28-5-2021 cho biết: “Hiện nay, tất cả dữ liệu khai báo y tế điện tử từ các hệ thống do Ban chỉ đạo phòng quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo triển khai đều đã liên thông và tập trung tại hệ thống do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý”.

Bản đồ thông tin dịch tễ CovidMaps đã được đưa vào sự dụng

Bên cạnh việc triển khai những ứng dụng công nghệ do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị, các địa phương tùy theo tình hình thực tế đã triển khai thêm các giải pháp công nghệ mới phòng chống dịch.

Cụ thể, trong các ngày từ 23 đến 25-5, có thêm 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hòa Bình đưa vào vận hành bản đồ dịch tễ Covid-19 (CovidMaps) cập nhật thông tin về dịch tại địa phương theo thời gian thực. Bản đồ giúp các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cũng như người dân thuận tiện trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình dịch. Tính đến nay, đã có rất nhiều địa phương triển khai phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 (CovidMaps) gồm có: Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên, Lạng Sơn…

Lắp đặt camera giám sát tại vùng dịch. Ảnh: Viettel

Trong khi đó Đà Nẵng đã xây dựng các phần mềm để người dân có thể khai báo y tế điện tử thông qua ứng dụng: DaNang Smart City, qua Zalo Tổng đài 1022 hoặc website https://khaibaoyte.danang.gov.vn. Tính đến ngày 25-5, đã có hơn 864.000 lượt khai báo y tế qua các ứng dụng, chiếm hơn 50% dân số thành phố.

Các thông tin về tình hình dịch Covid-19 đến với người dân cũng được đẩy mạnh qua nhiều hình thức, đặc biệt là qua Chatbox, Zalo, Facebook... Từ ngày 19 đến 25-5, tổng đài 1022 đã cung cấp thông tin về dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến hơn 5,7 triệu tài khoản Zalo; cung cấp khoảng 70 ngàn lượt thông tin cho người dùng mạng xã hội Facebook; gửi tin nhắn tự động từ Chatbot tổng đài 1022; giải đáp hơn 600 thông tin, yêu cầu qua tổng đài 1022… Việc áp dụng thẻ đi chợ QR Code cũng đã được TP Đà Nẵng bắt đầu triển khai từ ngày 24-5.

Còn Tập đoàn Viettel cho hay thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, trong vòng 7 ngày, Viettel đã hoàn thành lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc. Riêng đối với 130 cơ sở cách ly tại 125 xã của tỉnh Bắc Giang địa phương đang  có diễn biến căng thẳng nhất trong cả nước, Viettel đã huy động tối đa nguồn lực để lắp đặt thêm 1.000 camera trong vòng 5 ngày, nhanh gấp đôi so với tiến độ thông thường.

Bằng việc triển khai camera của Viettel, các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ, hạn chế tối đa các diễn biến có thể làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh trong điều kiện nhân lực, vật lực dành cho việc giám sát của tỉnh đã được huy động tối đa khả năng.

Xem thêm: lmth.iahk-neirt-coud-91-divoc-hcid-gnohc-gnohp-ort-oh-ehgn-gnoc-taol-gnah/187613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hàng loạt công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 được triển khai”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools