CSGT tỉnh Bình Thuận lập biên bản trực tiếp lỗi vi phạm tốc độ qua hệ thống camera - Ảnh: MINH HÒA
N.M.H. (24 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, tạm trú TP Thủ Đức) cho biết vào tháng 3-2021 anh có lái ô tô từ TP.HCM đi tỉnh Quảng Ngãi và vi phạm tốc độ đoạn qua huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, bị Đội CSGT số 1 tỉnh này lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ bằng lái xe 2 tháng.
CSGT ghi vào biên bản hẹn anh 7 ngày sau quay lại nơi anh H. vi phạm để nhận quyết định xử phạt và nộp phạt. H. cho biết sau khi xong việc, 7 ngày sau anh phải nhờ bạn chở từ TP.HCM, vượt gần 300km để quay lại Bình Thuận nhận quyết định và đóng phạt.
Trường hợp của chị T.T.K.N. (40 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng nhận được thông báo, hình ảnh của Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận gửi qua bưu điện về việc ô tô nhà chị chạy quá tốc độ bị "mắt thần" phát hiện.
Chuyến đi kết thúc cả tháng rồi nên khi nhận được thông báo, chị khá bất ngờ. Trong thông báo chị nhận được yêu cầu chủ xe 7 ngày sau phải đến Phòng CSGT để giải quyết, nếu quá thời hạn trên người vi phạm không đến sẽ bị cưỡng chế.
Khi chị N. gọi điện hỏi thủ tục có thể nộp phạt ở Phòng CSGT TP.HCM hoặc nộp qua kho bạc cũng như ngân hàng, cán bộ CSGT Ninh Thuận hướng dẫn người vi phạm phải tới Ninh Thuận để xử lý.
"Công an thông báo cần sự có mặt của tôi để xác minh hành vi vi phạm và xác định tôi có đúng là người lái xe hôm đó không, đồng thời phải ký vào quyết định xử phạt" - chị N. cho biết.
Trước ý kiến của người dân cho rằng "phạt nguội" như hiện nay là làm khó người vi phạm, thiếu tá Ngô Ngọc Nam, phó trưởng Phòng CSGT Công an Ninh Thuận, cho biết tất cả các trường hợp vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được CSGT gửi thông báo bằng văn bản đến chủ xe hoặc người vi phạm.
Lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết với các trường hợp "phạt nguội", tất cả đều được gửi thông báo đến chủ xe, làm việc với chủ xe rồi có biên bản làm việc, sau đó mới xác định ai là người điều khiển xe vi phạm, tiếp nữa mới ra quyết định xử phạt.
"Hiện không có chuyện vừa nhận thông báo 'phạt nguội' là người dân lên web nào để đóng phạt được", đại diện phòng nói.
Thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo sử dụng điện thoại để gọi điện, nhắn tin thông báo vi phạm "phạt nguội", yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để chiếm đoạt tài sản. Do đó công an khuyến cáo người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi liên quan đến "phạt nguội".
Lỗi có xử phạt bổ sung thì phải xử nơi vi phạm
Luật sư Vũ Quang Đức (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại nghị định 81/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 97/2017, người vi phạm luật giao thông, kể cả bị "phạt nguội" mà không có hình thức xử phạt bổ sung có thể đóng phạt bằng các hình thức như: nộp trực tiếp tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt; nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt; nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt; nộp vào kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu điện; nộp trực tiếp tại bưu điện.
Ngoài ra, trên cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp nộp phạt vi phạm luật giao thông. Khi đó CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện.
Tuy nhiên, theo luật sư Đức, trường hợp người vi phạm luật giao thông mà các lỗi có hình thức xử phạt bổ sung như tạm giữ xe, bằng lái xe... thì người vi phạm buộc phải tới nơi vi phạm để giải quyết. Lúc này cơ quan chức năng sẽ xác định lỗi và ra quyết định xử phạt.
TTO - Kẻ lừa đảo gọi điện tự xưng là tổng đài của CSGT, thông báo người dân có biên lai 'phạt nguội' rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, chuyển tiền để 'xác minh, điều tra, xử lý vi phạm'.
Xem thêm: mth.51844311092501202-iougn-tahp-gnod-ed-mk-003-nag-id-iahp/nv.ertiout