Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9/7 tới. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, theo Bộ GD-ĐT năm nay có thể tổ chức kỳ thi thành nhiều đợt để tạo điều kiện cho các thí sinh. Nhưng phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, đặc biệt phải đảm bảo an toàn – nhất là an toàn phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi phỏng vấn PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT về phương án cụ thể của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trong điều kiện dịch bệnh.
PV: Thưa ông, trước diễn biến dịch COVID-19 hiện nay và căn cứ vào những thông tin mà các địa phương báo cáo thì sơ bộ phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến theo hướng như thế nào?
Ông Mai Văn Trinh: Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo thì kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ là một hoạt động rất là quan trọng, chúng ta tổ chức nó ở trong bối cảnh của dịch COVID-19. Kế thừa kinh nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và bám sát tình hình thực tế thì Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng một số các phương án để thích ứng với diễn biến của dịch COVID-19 trên tinh thần cơ bản là chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm an toàn, nghiêm túc.
Thứ nhất, an toàn phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, cũng như an toàn cho tất cả các khâu của kỳ thi. Kỳ thi được đặt ra yêu cầu là dù tổ chức trong hoàn cảnh nào thì vẫn phải nghiêm túc để đảm bảo chất lượng, khách quan, lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương và là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Trong điều kiện COVID-19 như hiện nay chúng ta tổ chức kỳ thi này với những điều kiện đồng bộ với phòng, chống dịch COVID-19. Thứ nhất, các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ thi này trong bối cảnh của dịch COVID-19 để đảm bảo không bị động; Thứ hai, công việc rất quan trọng là thực hiện rà soát, phân loại các nhóm học sinh lớp 12 dự thi năm nay thành các nhóm F0-F1-F2 để có các phương thức tổ chức thi phù hợp.
PV: Cụ thể, nếu học sinh thuộc diện F0, F1, F2 sẽ được dự thi như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh: Các em học sinh diện F0 không tham gia được kỳ thi thì các em sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định. Đối với ca thí sinh F1-F2 chúng ta có tổ chức theo mô hình mà chúng ta đã thực hiện thành công ở năm 2020 theo các định hướng như sau. Các địa phương sẽ thành lập các điểm thi riêng dành cho các thí sinh diện F1. Các điểm thi này có thể nằm trong khu cách ly hoặc ngoài khu cách ly. Các điểm thi này phải được thực hiện các biện pháp khử khuẩn như sát khuẩn, khử trùng, thực hiện chế độ 5K, trong đó thì đặc biệt lưu ý trang bị các dung dịch khử khuẩn, xà phòng rửa tay, các máy đo thân nhiệt ở các điểm thi này. Và đặc biệt những cán bộ, giáo viên mà tham gia công tác thi đối với đối tượng F1 thì mặc quần áo bảo hộ để chống lây nhiễm chéo.
Đối với thí sinh diện F2 thì chúng ta bố trí các em thi ở những phòng thi riêng ở các điểm thi và chúng ta thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng chống dịch như đã kể trên. Với các quyết tâm như vậy chúng ta tổ chức kỳ thi này và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch nhưng vừa đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và diễn ra trong cả nước. Tất nhiên trong điều kiện bất khả kháng, căn cứ vào số lượng thí sinh bị F1, căn cứ vào diện thí sinh phân bố như thế nào, trong điều kiện chúng ta không thể tổ chức đồng bộ một lần thi được thì lúc đó Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp, cân nhắc với các địa phương để tổ chức thêm các đợt thi. Dù tổ chức thêm thì chúng ta vẫn phải đảm bảo an toàn và đặc biệt là nghiêm túc để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh tham gia kỳ thi năm nay.
PV: Nhưng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có những ý kiến đề xuất cho F1 thi tập trung trong khu cách ly. Quan điểm Bộ thế nào, thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh: Quan điểm xuyên suốt nhất trong việc tổ chức thi trong điều kiện COVID-19 cho đối tượng F1 thì việc đầu tiên chúng ta đặt ra là phải bảo đảm an toàn. An toàn thứ nhất là cho học sinh, thứ hai là cho cán bộ-giáo viên tham gia các khâu tổ chức thi đối với đối tượng F1 này. Do đó, chúng ta sẽ có những lựa chọn rất cụ thể, phụ thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương. Chúng ta sẽ có những điểm thi riêng. Nếu khu vực cách ly đó có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, về phòng ốc… để thiết lập điểm thi tại khu vực cách ly thì đây là giải pháp tốt.
Ngoài ra trong điều kiện khu vực cách ly không đáp ứng điều kiện đó thì chúng ta bố trí một điểm thi riêng cho thí sinh F1 nằm ngoài khu vực cách ly. Thế nhưng trong điều kiện như vậy thì chúng ta chú ý thêm các yêu cầu phòng chống dịch. Ví dụ như là trong trường hợp như thế sẽ có việc di chuyển các em từ địa điểm cách ly đến điểm thi và ngược lại chúng ta phải chú ý có xe riêng và thực hiện giãn cách, thực hiện khử khuẩn cho xe.
Đặc biệt là cán bộ, học sinh đi trên xe đó và những người lái xe phục vụ xe đó phải mặc quần áo bảo hộ để đảm bảo phòng chống dịch. Như vậy tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của địa phương để có giải pháp phù hợp. Nhưng xuyên suốt là tình huống nào, chúng ta có giải pháp tương ứng với mục tiêu là thực hiện tối đa khuyến cáo của ngành y tế để chống lây nhiễm chéo trong cộng đồng đối với ngươi tham gia kỳ thi này.
PV: Như ông có thông tin, trong điều kiện chúng ta không thể tổ chức đồng bộ một đợt thi thì Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc và phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm các đợt thi tốt nghiệp THPT năm nay. Vậy việc chuẩn bị cho phương án thi nhiều đợt hiện thế nào, thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh: Khả năng phải tổ chức nhiều hơn một đợt thi Bộ GD-ĐT cũng đã tính toán từ khá lâu. Chúng tôi cũng có kịch bản cho phương án này. Trên quan điểm dù tổ chức một đợt thi hay nhiều hơn một đợt thi thì quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm an toàn và nghiêm túc. Trong trường hợp như thế này thì sự công bằng giữa thí sinh và các đợt thi là sự chú ý cao. Điều đó thể hiện là chúng ta xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu cho các đợt thi khác nhau. Bộ GD-ĐT đã có tính toán và trên cơ sở khoa học, công trình khoa học của xây dựng đề thi chúng tôi sẽ xây dựng được đề thi phục vụ cho các đợt thi khác nhau nhưng vẫn đảm bảo sự tương đồng về độ khó để không làm ảnh hưởng đến thí sinh dự thi các kỳ thi khác nhau. Và đặc biệt các kỳ thi như vậy vẫn tổ chức trong khuôn khổ cùng một quy chế, với cùng một cấu hình như nhau để đảm bảo sự nghiêm túc. Và công việc này không phải là mới, năm 2020 chúng ta đã trải qua và đó là kinh nghiệm cần thiết để tới đây Bộ GD&ĐT sẵn sàng ứng phó trong trường hợp tổ chức nhiều hơn một đợt thi./.
PV: Xin cảm ông!
Lê Thu
VOV
Xem thêm: nhc.95653418092501202-tod-ueihn-hnaht-cuhc-ot-eht-oc-1202-tpht-peihgn-tot-iht/nv.zibefac