Nông sản tươi hái từ vườn đăng bán trên sàn thương mại điện tử với các hình thức mới mẻ như livestream, sau đó thông qua đội ngũ giao vận của sàn đến trực tiếp tay người dùng, cắt giảm đến 50% các khâu trung gian so với cách phân phối truyền thống. Tuy nhiên, việc triển khai bán nông sản tươi trực tuyến thực tế sẽ gặp nhiều cái khó, khiến đây chưa thể là kênh phân phối chủ lực trong "một sớm một chiều".
Năm nay là lần đầu tiên ông Hải (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bán trực tiếp vú sữa từ vườn cho các sàn thương mại điện tử. Bước đầu ông bán xấp xỉ được cả tấn vú sữa và được giá hơn do đỡ khâu trung gian.
Sản lượng chưa được nhiều, vì hàng bán trực tuyến phải được trồng theo tiêu chuẩn để tránh cảnh khách hàng dùng một lần rồi bỏ. Trong khi người nông dân vẫn chưa đáp ứng hết được.
"Hàng chất lượng cao mình mới đưa lên sàn được, không thể giống như hàng ngoài chợ. Nên những quả đạt tiêu chuẩn để bán online cũng hạn chế do bà con thành viên hợp tác xã làm tỷ lệ đạt không cao", ông Hải cho hay.
Việc phân phối nông sản như vải thiều trên sàn thương mại điện tử đang ở mức thử nghiệm để học hỏi, lấy kinh nghiệm.
Mới đây, đã diễn ra tình trạng nông dân trồng xoài Úc Khánh Hòa được mùa nhưng mất giá gấp, ế hàng do gặp khó thị trường tiêu thụ. Nhưng theo Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, không thể đưa ngay lượng lớn mặt hàng này lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ do đòi hỏi chất lượng và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên.
Anh Hồ Danh Nghiệp - Trưởng Ngành hàng tươi sống, Tiki cho biết: "Thách thức lớn nhất để triển khai mô hình này nằm ở khâu lên kế hoạch. Đặc thù ngành hàng tươi sống mình phải lên kế hoạch, dự toán số lượng tiêu thụ cho nhà vườn. Làm việc rất sát sao với nhà vườn về logistics vận chuyển hàng hóa nhằm đảm bảo quy trình nhận hàng diễn ra xuyên suốt".
Đại diện Cục xúc tiến thương mại nhận định, việc phân phối nông sản như vải thiều trên sàn thương mại điện tử đang ở mức thử nghiệm để học hỏi, lấy kinh nghiệm, chưa đặt nặng về số lượng.
"Phải có hạ tầng về logistics để vận chuyển được nông sản tươi. Điều này đòi hỏi chúng ta phải rà soát, đưa ra những yêu cầu rất cụ thể với từng nhóm nông sản, với mỗi địa phương và mỗi vùng", ông Vũ Bá Phú - Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nói.
Để hàng nông sản từ vườn đến tay khách vẫn tươi, đòi hỏi các doanh nghiệp thương mại điện tử phải đầu tư kĩ lưỡng cho khâu giao vận. Khi làm ở quy mô lớn, nguồn lực đầu tư có thể tiêu tốn cả triệu USD cũng không phải là chuyện có thể làm trong ngày một ngày hai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.53403059092501202-ueihc-tom-mos-tom-eht-gnohk-neyut-curt-ohc-iout-nas-gnon-nab/et-hnik/nv.vtv