Tổ chức The Rice Trader (TRT) vừa phát đi cảnh báo Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” do có nhiều doanh nghiệp (DN) đã vi phạm bản quyền khi sử dụng logo này để in trên bao bì gạo kinh doanh trong nước và xuất khẩu, không hợp tác với TRT khi trao đổi thông tin. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc trừng phạt nên dành cho đối tượng ăn cắp bản quyền, chứ không dành cho tác giả lai tạo ra giống lúa.
Sử dụng "chùa" biểu trưng được bảo hộ để bán gạo
Theo đại diện của TRT, biểu trưng logo "Gạo ngon nhất thế giới được TRT cấp độc quyền cho ông Hồ Quang Cua và DN Hồ Quang Trí sử dụng. Tất cả các cá nhân, DN khác muốn sử dụng phải được sự đồng ý của TRT.
Theo bà Phan Mai Hương - đại diện TRT tại Việt Nam - TRT đã trao đổi thông tin với nhiều DN đang có biểu hiện vi phạm này, nhưng đáng tiếc là khi được trao đổi, nhiều DN đã tỏ thái độ bất hợp tác. Điều này có thể dẫn đến việc TRT có thể sẽ có động thái quyết liệt hơn để bảo vệ bản quyền của các đơn vị tham gia giải thưởng, mà cao nhất là có thể là tước quyền tham dự cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” của Việt Nam.
Trao đổi với PV Lao Động chiều 28.5, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NNPTNT) Nguyễn Như Cường cho biết: Đến thời điểm này, Cục Trồng trọt chưa nhận được bất kỳ văn bản nào về việc ông Hồ Quang Cua chuyển nhượng sản phẩm giống lúa ST25 cho Cục Trồng trọt, nên tất cả gạo ST25 vẫn là của ông Hồ Quang Cua và DN Hồ Quang Trí.
Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, Cục Trồng trọt không quản lý mặt hàng gạo, chỉ quản lý giống lúa, nên không bình luận về vấn đề mà Tổ chức TRT đã thông báo. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, ông Cường cho rằng, ý kiến của TRT là đúng. Các DN Việt Nam sử dụng biểu trưng giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" trong mục đích thương mại, đều phải có sự thỏa thuận với TRT và được sự đồng ý của tổ chức này.
Ông Nguyễn Như Cường cũng đưa ra giả thiết, có sự vi phạm này, có thể là do các DN không biết TRT đã cấp nhãn hiệu, biểu trưng này cho duy nhất ông Hồ Quang Cua và DN Hồ Quang Trí được độc quyền sử dụng cho mục đích tiếp thị và kinh doanh. Cũng có thể có những DN đã biết nhưng vẫn cố tình sử dụng.
“Khi có thông tin của TRT thông báo như vậy, phải có một đơn vị đứng ra thông báo tới các DN để dừng lại. Nhưng, hiện tại chưa có một cơ quan Nhà nước đứng ra làm việc này. Đơn vị tôi quản lý giống không thể ra văn bản về kinh doanh gạo. Nên chăng bản thân ông Hồ Quang Cua hoặc Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải có văn bản để thông tin và yêu cầu chấm dứt tình trạng này. Cục Trồng trọt không ra văn bản này bởi không đúng vai. Đồng thời, hiện nay khi TRT đã ra thông báo, các DN nên dừng lại” - Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Việt Nam có thể bị mất cơ hội thi gạo ngon nhất thế giới?
Ông Nguyễn Như Cường cũng cho rằng, tham gia bất kỳ một cuộc thi nào, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm dự thi đều phải tuân thủ quy định, quy chế của đơn vị tổ chức thi. Dựa vào các tiêu chí, quy định, đơn vị tổ chức cuộc thi có thể chấp nhận hoặc từ chối đối tượng, sản phẩm dự thi.
Còn theo doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Cần Thơ) - TRT hoàn toàn đúng về vấn đề sử dụng biểu trưng giải thưởng. Tuy nhiên, TRT không có quyền tước giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" của ông Hồ Quang Cua vì ông Cua không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về việc làm của những người vi phạm bản quyền. Đơn vị nào vi phạm thì phải xử lý, chứ không thể xử lý tác giả đã nghiên cứu, lai tạo ra giống lúa đã được giải.
“TRT không có quyền cấm cản gạo nào không được dự thi. Tác giả lai tạo ra giống lúa không có nghĩa vụ phải chống được kẻ ăn cắp (bản quyền). Chống ăn cắp bản quyền là nghĩa vụ của cơ quan bảo vệ luật pháp. Ông Cua sẽ tiếp tục đi thi, còn đạt giải hay không vẫn phải chờ xem sự so sánh của Ban tổ chức giải thi với các loại gạo khác. Tuy nhiên, khả năng đạt giải rất cao, khó có loại gạo nào “qua mặt” được ST25 nếu nói về độ thơm dẻo. Gạo Hommali của Thái Lan còn phải “gờm” cơ mà” - ông Phạm Thái Bình khẳng định.
Cũng theo ý kiến của doanh nhân Phạm Thái Bình, Việt Nam cũng cần đưa thêm các loại gạo khác dự thi và cấp cho Ban tổ chức nêu bật ưu điểm của loại gạo đó, bởi nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trên thế giới rất đông; hoặc ngoài thơm dẻo thì tiêu chuẩn chất lượng của gạo đạt được ở mức nào...
Về vấn đề này, doanh nhân Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco - cho rằng, gạo OM 5451 hay DT8 đang làm thay đổi về hình ảnh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới trong 3 năm qua.
Còn theo ý kiến của một chuyên gia phân tích và dự báo thị trường tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên), gạo Việt Nam sẽ không mất cơ hội dự thi “Gạo ngon nhất thế giới”, bởi TRT cần sự tham gia của Việt Nam và của những cá nhân như ông Hồ Quang Cua.
“Vấn đề giải thưởng gạo chỉ là sự kiện bên lề. Cần phải xem chất lượng của giải thưởng này ở mức độ nào? Giám khảo là những ai? Có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá gạo tham dự thi từ khâu giống đến khâu trồng, chế biến không?" - vị chuyên gia này lưu ý, đồng thời nhấn mạnh: Các nước không quá coi trọng giải thưởng này. Thái Lan, Ấn Độ khi đoạt giải đều không in lên bao bì, không phải bởi họ không thông minh, mà vì họ không coi giải thưởng này có ý nghĩa lớn.
"Họ coi thương hiệu gạo của vùng đất, quốc gia họ mang biểu tượng lớn hơn nhiều những giải do các thương nhân kinh doanh gạo nấu lên nồi cơm ở 1 hội nghị rồi tự cho điểm cao, thấp" - vị chuyên gia này lưu ý.
Xem thêm: odl.753419-ioig-eht-tahn-nogn-oag-iht-couc-neyuq-tam-oab-hnac-ib-man-teiv-oag/et-hnik/nv.gnodoal