Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, để giữ được sự tươi ngon, các loại nông sản như vải thiều, xoài hay mận đều phải giao hàng trong vòng từ 2-4 giờ, không được giao chậm hơn.
Vải tuy đầu mùa nhưng rất ngon, ngọt
Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương vừa được mở bán trong “Gian hàng tỉnh Hải Dương thuộc khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại” trên nền tảng thương mại điện tử với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng hấp dẫn.
Trải nghiệm mua vải thiều u trứng trắng Thanh Hà (Hải Dương) trên sàn thương mại điện tử Lazada, chị Thuỳ Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, điều ấn tượng đầu tiên với chị đó là giao diện gian hàng vải thiều khá bắt mắt, với gam màu đỏ tươi. Đồng thời đi kèm với đó dòng chữ Flash sale (bán hàng chớp nhoáng, sự kiện giảm giá) và thông tin chỉ dẫn về nguồn gốc, xuất xứ vải Thanh Hà.
"Tôi đặt 1kg vải thiều lúc 11 giờ trưa 28.5 thì gần 20 phút sau điện thoại đã thông báo xác nhận đã đóng gói sản phẩm và tìm kiếm nhân viên giao hàng. Ít phút sau, sàn thương mại điện tử này lại gửi thông báo cho tôi đã tìm thấy nhân viên giao hàng và tiến hành giao cho khách hàng trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Sau 2 giờ, nhân viên giao hàng đã gọi điện thoại xuống lấy hàng. Theo quan sát, sản phẩm được đóng gói cẩn thận, vải tươi nguyên, không bị giập nát", chị Linh nói.
Theo chị Linh, giá bán trên sàn thương mại điện tử Lazada cho loại vải này là 79.000 đồng, tặng kèm 20.000 đồng phí vận chuyển. Vải tuy đầu mùa nhưng rất ngon, ngọt. Trái cây có giấy an toàn thực phẩm nên có thể yên tâm sử dụng.
Việc bán vải trên sàn thương mại điện tử cũng khiến thói quen tiêu thụ vải ở Thanh Hà (Hải Dương) thay đổi. Theo đó, năm nay là một năm rất khác của tổ trồng vải VietGap xã Thanh Sơn (huyện Thanh Hà).
Nếu như mọi năm, việc quản lý của các nhà vườn chủ yếu ghi chép và dựa trên sổ sách, thì năm nay, vải được quản lý bằng mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc vì được bán trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Phạm Văn Giang - Tổ trưởng tổ trồng VietGap xã Thanh Sơn - cho biết, năm nay, sản lượng vải của Hải Dương dự kiến đạt 55.000 tấn. Trong đó riêng sản lượng vải của huyện Thanh Hà ước đạt khoảng 40.000 tấn. Khoảng hơn 1/2 sản lượng này sẽ được xuất khẩu, phần còn lại tiêu thụ trong nước qua kênh phân phối và bán lẻ.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Hải Dương đã sớm xây dựng kế hoạch đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn…
Vải thiều bán trong vòng 2-4 giờ
Trong cuộc họp đột xuất theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu toàn lực lượng Quản lý thị trường, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết - việc đưa nông sản như vải thiều, xoài và mận Sơn La... tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử là cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Tuy nhiên, đừng để lực lượng Quản lý thị trường phải nhận thông tin đường dây nóng - phản ánh việc quả vải bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử kém chất lượng.
Để lực lượng Quản lý thị trường không phải nhận than phiền quả vải kém chất lượng, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, để giữ được sự tươi ngon, quả vải, xoài hay mận đều phải giao hàng trong vòng từ 2-4 giờ, không được giao chậm hơn.
Bên cạnh đó, những ngày qua, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp đầu mối đã xuống từng hợp tác xã hướng dẫn người nông dân và hỗ trợ cách đóng gói để giữ độ tươi ngon cho quả vải cũng như tiết kiệm chi phí cho nông dân.
Chẳng hạn với quả vải Hải Dương, Sendo cử nhân sự hỗ trợ bà con nông dân tại vùng trồng quy cách đóng gói, tỉ lệ ướp đá trên số vải trong mỗi thùng vừa đúng để vừa giữ độ tươi ngon cho quả vừa tiết kiệm chi phí cho bà con.
"Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần (kho bãi) đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên thương mại điện tử.
Xem thêm: odl.355419-nogn-iout-iv-coud-uig-ed-oan-eht-mal-enilno-ohc-nel-ueiht-iav-aud/et-hnik/nv.gnodoal