Ông Phan Đình Trạc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: CTV
Theo đó, ông Phan Đình Trạc - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính Trung ương, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng liên quan đến các sai phạm xảy ra tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và các vụ án, vụ việc khác.
Ông Trạc đánh giá, thời gian qua, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nỗ lực khắc phục hậu quả thiệt hại, xử lý các sai phạm theo các kết luận, kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ xử lý theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, trong thời gian tới, đề nghị Ban thường vụ Thành ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ.
Đối với các sai phạm tại khu đô thị Thủ Thiêm, tiếp tục rà soát 33/67 dự án còn lại mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao Thanh tra TP tổ chức rà soát, thanh tra để xử lý theo quy định.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: TỰ TRUNG
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành chức năng, TP.HCM khẩn trương thu hồi và hoàn trả hơn 26.000 tỉ đồng tạm ứng từ ngân sách nhà nước đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm để tránh thất thoát.
Sớm có giải pháp huy động nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng hơn 4.000 tỉ đồng.
Sau ngày 30-6-2021, nếu không thực hiện xong thì chuyển các vụ việc đã rõ dấu hiệu phạm tội đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý.
Đối với sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Lương thực miền Nam do Thanh tra Chính phủ kiến nghị, đề nghị cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ chuyển đến.
Đối với sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), ngoài vụ án đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý, giao Ban nội chính Thành ủy chủ trì, phối hợp với Thanh tra TP và các cơ quan chức năng rà soát 17 mặt bằng cho thuê không đúng quy định, nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra xử lý.
Đối với sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Thanh tra TP thanh tra, kết luận đề nghị TP xử lý sớm, chuyển ngay đến Cơ quan điều tra Công an TP để điều tra, xử lý đối với những sai phạm có dấu hiệu tội phạm. Các vụ việc chưa rõ, đề nghị Thanh tra TP tiếp tục thanh tra, kết luận để xử lý.
Về sai phạm tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS), cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị theo kết luận của Thanh tra TP, chuyển giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an phục vụ điều tra, xử lý các hành vi sai phạm theo thẩm quyền.
Nhiều sai phạm xảy ra tại IPC và SADECO - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngoài ra, ông Trạc cũng chỉ đạo đối với 2 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo gồm: vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Xây dựng và phát triển khu công nghiệp Tân Thuận, Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn và các đơn vị có liên quan và vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.
Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng TP phối hợp chặt chẽ, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Mở rộng điều tra, làm rõ các dấu hiệu sai phạm có liên quan để xử lý nghiêm.
Đối với các hành vi vi phạm đã rõ, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khẩn trương khởi tố để đẩy nhanh tiến độ kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Ông Phan Đình Trạc đề nghị Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm với tinh thần có vụ việc phải xác minh, làm rõ.
Tích cực, khẩn trương, "rõ đến đâu xử lý đến đó", có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, điều tra, kết luận có tội phải truy tố, xét xử. Vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự phải xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới chuyển.
Quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì báo cáo ngay cho phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo và hai phó trưởng ban để tham mưu cho Tổng bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, xử lý.
Đồng thời chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước ngày 30-6-2021.
Dịp này, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã trao phần thưởng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho Ban Nội chính Thành ủy, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân TP, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM vì có thành tích trong công tác tham mưu, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
TTO - Trưởng Ban Nội chính Trung ương yêu cầu các vụ việc sai phạm tại Khánh Hòa phải được khẩn trương xử lý, báo cáo cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trước 30-6.