Trong tháng này, 3 công ty Hàn Quốc và cảnh sát Seoul đã gỡ bỏ quảng cáo và một số nội dung khác sau khi nhận khiếu nại của các nhóm bảo vệ quyền nam giới về biểu tượng được cho là xúc phạm đàn ông.
Theo Reuters, tại Hàn Quốc, hình ảnh bàn tay có ngón cái và ngón trỏ gần chụm vào nhau, tạo ra một khoảng nhỏ thường được coi là để biểu thị một vật có kích thước khiêm tốn.
Cụ thể, hình ảnh bàn tay chụm lại như vậy và hướng tới chiếc xúc xích nhỏ trong quảng cáo cũng như thực đơn của GS25 và Genesis BBQ bị cho là ám chỉ chê kích thước bộ phận sinh dục nam giới Hàn Quốc.
Sau quảng cáo đó, một nhóm là thành viên của "Man on Solidarity" đã tụ tập biểu tình bên ngoài trụ sở của GS 25 - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc. Kênh YouTube của "Man on Solidarity" đã đăng tải video về các cuộc biểu tình và thu hút hơn 200.000 người đăng ký chỉ sau 2 tháng.
Kết quả là GS25 phải rút lại quảng cáo. Chuỗi gà rán Genesis BBQ cũng rút thực đơn có hình ảnh trên, xin lỗi và nói rằng họ không có ý xúc phạm hay "dìm hàng" đàn ông Hàn Quốc.
Trong khi đó, ngân hàng Kakao cũng xin lỗi về quảng cáo chứa hình ảnh tương tự và cảnh sát Seoul cũng loại bỏ hình ảnh đó khỏi một áp phích giao thông đường bộ để tránh hiểu lầm không đáng có.
Cuộc tranh cãi trên là sự kiện mới nhất liên quan đến căng thẳng kéo dài về quyền giới tính ở Hàn Quốc, vốn tạo ra mâu thuẫn giữa các nhóm nam quyền và nữ quyền.
Trước đó, vào tháng 3, nữ diễn viên hài Park Na-rae đã bị cảnh sát điều tra và thậm chí bị khán giả đòi tẩy chay sau khi có bình luận và hành động mô phỏng nhạy cảm về vấn đề tình dục trong một chương trình. Trước sức ép dư luận, Park và công ty chủ quản đã xin lỗi đồng thời thông báo kênh YouTube của cô sẽ dừng hoạt động.
Kim Garo, Giám đốc bộ phận chính sách phụ nữ tại Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, cho biết trong khi các vấn đề về việc ngoại tình hay hành động không đúng mực không phải là mới ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc nhắm vào một số công ty hay cá nhân nhất định liên quan đến những vấn đề trên đang là "xu hướng" mới.
Bà cho biết chính phủ rất khó can thiệp khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra dưới hình thức hành động của người tiêu dùng. Dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tiếp cận cộng đồng như mời nam nữ thanh niên thảo luận về bình đẳng giới và việc làm.
Theo thống kê, Hàn Quốc là một trong những nước có khoảng cách thu nhập lớn nhất so với bất cứ quốc gia nào trong 30 thành viên của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) và tỷ lệ đại diện chính trị thấp đối với nữ giới.
Các nhà khoa học chính trị cho biết nhiều nam thanh niên Hàn Quốc hiện nay cảm thấy nhu cầu và quyền của bản thân không được thừa nhận một cách đầy đủ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 58,6% nam giới độ tuổi ở Hàn Quốc nói rằng họ phản đối chủ nghĩa nữ quyền.
Park Jun-young (27 tuổi) một sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật, cho biết anh là một trong số những người nghĩ rằng nam giới đang bị thiệt thòi: "Chủ nghĩa nữ quyền ở Hàn Quốc cho phép phụ nữ thăng tiến hơn trong sự nghiệp và phá vỡ rào cản giới tính. Tuy nhiên, nó cũng khiến một số nam giới trẻ tuổi – những người không khá hơn họ là bao – trở thành mục tiêu của chỉ trích".
Nguồn: Reuters
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị