Tăng giá chóng mặt
Từ thực tế trên thị trường có thể thấy, cổ phiếu 2 ngành thép và ngân hàng đã tăng giá có thể nói là “chóng mặt” trong thời gian qua.
Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến hết phiên ngày 26/5, trong nhóm cổ phiếu thép, HPG tăng giá gần 45%, HSG tăng gần 39%, NKG tăng 31,5%, TLH tăng giá 45,6%. Còn từ phiên giao dịch ngày 26 - 28/5, các mã HPG, TLH, NKG tăng hoặc giảm nhẹ, trong khi HSG vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Trong thượng tuần tháng 5, giá thép tăng nóng trên thị trường đã bị “kêu” rất nhiều. Đặc biệt, ngành xây dựng đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, kiểm tra vấn đề giá thép. Tuy nhiên, giá thép trên thị trường vẫn không giảm, cho nên giá cổ phiếu ngành thép cũng chưa có chiều hướng giảm.
Với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, mức độ tăng giá trong khoảng 2 tháng qua không hề kém cạnh cổ phiếu ngành thép.
Tăng giá mạnh nhất trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 - 26/5 là VPB, với mức tăng 51,6% nhờ vào thương vụ bán 49% tại FE Credit cho đối tác nước ngoài thu về thặng dư 1,4 tỷ USD. Xếp sau, STB tăng giá mạnh 38%, TPB tăng hơn 29%, TCB tăng 28,7%, CTG tăng 28%, MBB tăng 32,7%, HDB tăng 23,4%...
Và từ ngày 26 - 28/5, nhóm cổ phiếu ngân hàng đa phần tiếp tục tăng điểm, trong đó STB tăng điểm mạnh cùng với EIB và LPB.
Nhìn chung trong khoản 2 tháng qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số VN-Index, tiếp đến là nhóm cổ phiếu bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ, dầu khí...
Có nên tiếp tục “đu trend” thép, ngân hàng?
Nhìn dưới góc độ đầu tư, vấn đề đặt ra là thời điểm này có nên tiếp tục “đu trend” theo nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép?
Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, hiện nhiều mã đã tăng giá lên mặt bằng mới, việc mua mới rất nên thận trọng, thậm chí nên dừng lại và tránh mua đuổi, trừ phi có những nhịp thị trường hoặc nhóm mã ngành này điều chỉnh mạnh về mức hấp dẫn cho đầu tư ngắn hạn.
Tuy nhiên, với những nhà đầu tư đang nắm giữ trong danh mục các mã cổ phiếu ngân hàng và có một mức lợi nhuận tương đối, có thể cân nhắc tiếp tục nắm giữ cho đến các ngưỡng kháng cự cao hơn, cụ thể là khi VN-Index tiến gần vùng 1.350 - 1.360 thì cân nhắc bán dần ra, hoặc tùy theo từng mã có mức độ tăng điểm riêng mà có cân nhắc riêng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá khá mạnh song về góc độ đầu tư trung và dài hạn, vẫn còn cơ hội mua vào. Song song đó, nhà đầu tư có thể tranh thủ chốt lời một phần khi các mã trong danh mục tăng giá ở mức đạt mục tiêu.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép trong khoảng 2 tuần trở lại đây nhìn chung diễn biến dao động và tích lũy, mức độ tăng - giảm giá không nhiều. Nhà đầu tư cần thận trọng hơn. Song có một điều là, giá thép trên thị trường chưa thể sớm hạ nhiệt.
Theo khuyến nghị của bà Kim, việc “đu trend” là chuyện bình thường trên thị trường chứng khoán, nhưng vào thời điểm này, cần cân nhắc trên xu hướng và diễn biến của nhóm ngành hoặc từng mã cổ phiếu hơn là quá chú trọng vào mức điểm tăng giảm của chỉ số VN-Index./.
Xem thêm: lmth.06040000042210202-nauhn-iol-mit-ed-gnah-nagn-peht-ueihp-oc-dnert-ud-nen-oc/nv.semitaer