Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ với Lao Động về những khó khăn, nỗ lực của tỉnh để tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Thưa ông, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tác động như thế nào đến việc tiêu thụ nông sản của Bắc Giang?
- Là một trong những địa phương sản xuất nông sản lớn của miền Bắc cũng như cả nước, hiện nay, Bắc Giang vào vụ thu hoạch của một số loại nông sản chủ yếu như vải thiều, dứa, dưa hấu…
Đây là những loại nông sản do bà con nông dân làm ra và không thể để lâu, thời gian tiêu thụ rất ngắn. Nhiều loại nông sản cũng đang vào vụ thu hoạch để giải phóng đất sản xuất vụ tiếp theo.
Khó khăn nhất hiện nay là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ nông sản trong nước cũng giảm vì hệ thống nhà hàng, quán ăn, các sự kiện đông người… đã ngừng hoạt động để thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch.
Thứ hai là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các địa phương lập nên rất nhiều chốt để kiểm soát phòng dịch, đây là điều tất yếu tỉnh nào cũng phải làm vì phòng dịch là quan trọng. Nhưng việc đưa nông sản đi tiêu thụ như dòng chảy, dựng quá nhiều đập ngăn dù nước tràn qua nhưng tốc độ sẽ chậm, ảnh hưởng đến thời vụ thu hoạch.
Cái khó nữa là hiện nay nông sản không tự đi được mà phải có phương tiện để vận chuyển. Phương tiện trong tỉnh không thể đủ, từ trước đến giờ đều phải có phương tiện của cả nước về Bắc Giang thu mua, tiêu thụ. Vấn đề hiện nay là các chủ xe, chủ phương tiện vận chuyển đều khá e ngại đi đến các vùng có dịch vì khi về lái xe phải cách ly tập trung.
Ví dụ, lái xe của TPHCM, Huế, ra Bắc Giang mua vải hay nông sản về tiêu thụ, vào Bắc Giang thì thuận lợi, khi về có thể chậm vì phải qua nhiều chốt. Nhưng khi về đến địa phương thì do lái xe là đối tượng đi từ vùng dịch về, phải cách ly y tế 21 ngày. Vì vậy, chúng tôi đang rất thiếu đầu xe để chở hàng, thu mua nông sản.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, địa phương có sẵn sàng phương án "giải cứu" nông sản?
- Có những thông tin trên mạng xã hội là phải giải cứu nông sản, gây tâm lý chung “đã là hàng giải cứu thì giá xuống rất thấp”. Tâm lý cho rằng, hàng đang ế, đang không bán được giá sẽ thấp, yếu tố này cũng tác động đến giá cả.
Trong thực tế, vải đang đầu vụ thu hoạch, tạm thời thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đấy, giá bán tương đương mọi năm. Vì vậy, nếu chúng ta đưa nhiều thông tin “phải giải cứu nông sản” thì giá sẽ xuống. Tâm lý là như vậy.
Việc xuất khẩu nông sản, vải thiều ban đầu có dấu hiệu thuận lợi, nhưng không thể chủ quan khi dịch bệnh phức tạp và các loại nông sản vào chính vụ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Bắc Giang xuất khẩu vải đi hơn 30 nước, nhưng thị trường chính 50% là xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, xuất khẩu qua đường hàng không đi Nhật, Australia vẫn đang thuận lợi vì xưa nay có dịch hay không thì vẫn không ảnh hưởng vì đi bằng đường hàng không. Nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc đang phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thứ nhất là phải có thương nhân bên đó sang mua; thứ hai là vận chuyển qua cửa khẩu phải thuận lợi.
Hiện nay, vận chuyển qua cửa khẩu đã được chính quyền của 2 tỉnh có cửa khẩu lớn là Lạng Sơn và Lào Cai (Việt Nam) và chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện cho việc thông quan vải qua cửa khẩu (luồng xanh). Phía bạn nới thêm thời gian thông quan bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn so với bình thường, không để ách tắc vải tại cửa khẩu.
Thế nhưng, việc thương nhân của Trung Quốc không sang được Bắc Giang để trực tiếp chỉ huy thu mua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng dẫn tới việc khối lượng thu mua sẽ giảm. Chúng tôi cũng đang lường được tình huống này vì trước đây đã có 1 vài năm như vậy.
Với những khó khăn hiện hữu như vậy, Bắc Giang làm gì để nông sản được lưu thông, tiêu thụ an toàn, thưa ông?
- Thứ nhất, ngay từ khi bắt đầu có dịch Bắc Giang đã bắt đầu khoanh vùng các vùng có vải được bảo vệ nghiêm ngặt, có chốt kiểm soát phòng dịch và sẽ xét nghiệm tầm soát thường xuyên cho người dân trong vùng vải để vùng vải sạch COVID-19. Thực tế đến nay, các vùng vải của Bắc Giang đang tuyệt đối sạch với COVID-19.
Thứ hai, giữ được vùng an toàn dịch thì phải có hồ sơ chứng minh vùng vải an toàn, không có dịch bệnh COVID. Việc chứng minh phải được dựa trên các bằng chứng khoa học, phải xét nghiệm cho người dân, người đến thu mua, vận chuyển, đóng gói, lái xe, chủ xe, phụ xe… Tất cả những người tham gia vào chuỗi thu mua, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều cũng như nông sản đều được kiểm soát và quản lý chặt chẽ về yếu tố dịch tễ, thường xuyên được xét nghiệm chứng minh họ không bị nhiễm COVID-19.
Tất cả được lập thành hồ sơ để khi vải đi đến đâu đều có hồ sơ này kèm theo đảm bảo rằng đây là trách nhiệm của tỉnh. Chúng ta tiêu thụ nông sản nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng dịch, chứ không phải bảo các địa phương là hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ vải nhưng lại đưa ra thị trường vải không an toàn. Tỉnh đã làm tốt việc này, chúng tôi đánh giá vải Bắc Giang sạch và có đủ hồ sơ chứng minh sự an toàn đó.
Thứ ba, là tỉnh đang tập trung kết nối tất cả các nguồn để xúc tiến tiêu thụ nông sản, đặc biệt là quả vải tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, chú trọng đẩy được lượng hàng xuất khẩu qua biên giới càng nhiều càng tốt, qua tất cả các kênh: Thương nhân và thương nhân giao hàng qua biên giới tại cửa khẩu.
Ngoài ra, thông qua các kênh ngoại giao, chúng tôi đã gặp gỡ đại sứ Trung Quốc, tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, cũng đề nghị các tổ chức xúc tiến thương mại của Nhật, Úc, Singapore, Thái Lan… để đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua đường ngoại giao, để phía bạn thấy được việc duy trì mối làm ăn với Bắc Giang không chỉ trong 1 vụ mà là vấn đề lâu dài, vì trước đây giữa 2 bên đã có truyền thống giao thương, không vì dịch bệnh mà để gián đoạn.
Mặt khác, qua các tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ, tạo thuận lợi cho xuất khẩu vải. Tất cả hoạt động này chúng tôi đang triển khai tích cực, khẩn trương và đã báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ, với các bộ: Công Thương, NNPTNT, Ngoại giao và các bộ, ngành hữu quan.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản và vải trên sàn thương mại điện tử, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quả vải với các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã làm những cuộc riêng với các chuỗi kinh doanh nông sản như hệ thống siêu thị Big C, chuỗi siêu thị Co.op Mart và các siêu thị nước ngoài.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh trong cả nước tạo thuận lợi cho lưu thông nông sản của Bắc Giang. Chúng tôi cũng đã có chiến dịch truyền thông trên báo, đài, thường xuyên cung cấp thông tin khách quan, chính xác về thị trường cũng như tình hình tiêu thụ vải cũng như các loại nông sản của Bắc Giang để dư luận, nhân dân hiểu được nhu cầu, mong muốn của Bắc Giang, tham gia hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ nông sản.
- Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: odl.248419-yag-tud-ib-nas-gnon-uht-ueit-ed-gnohk-gnaig-cab-hnit-dnbu-hcit-uhc/et-hnik/nv.gnodoal