Hiện công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang vào cuộc điều tra, xử lý vụ cất giữ, bảo quản 1.300 thi hài thai nhi trong tủ đông lạnh của một nhóm đối tượng tự xưng là thiện nguyện.
Trước đó, theo phản ánh của một số người dân về việc một nhóm thanh niên (5 - 6 người) thường xuyên đi thu gom thi hài thai nhi về bảo quản trong tủ lạnh trong một khu nhà trọ tại phường Phú Lãm, công an quận Hà Đông đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, khám xét khu nhà trọ.
Tiến hành khám xét, kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.300 thi hài thai nhi được bảo quản trong tủ đông lạnh.
Bước đầu đấu tranh, khai thác, nhóm thanh niên trên khai nhận thường đi các phòng khám tư nhân, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội thu gom thi hài thai nhi rồi đem đi hậu táng. Do vị trí các nghĩa trang ở xa khu vực nội thành Hà Nội, nên nhóm người này phải bảo quản thi hài bằng tủ đông lạnh rồi mới chuyển đi hậu táng.
Để tránh gây hoang mang dự luận, công an quận Hà Đông nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Hiện nhà nước chưa có quy định cấm việc nạo phá thai; tuy nhiên, về mặt đạo đức xã hội thì cả hai giới, nhất là phụ nữ nên chủ động các biện pháp phòng tránh khi quan hệ để tránh dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn, dẫn tới việc phải tới các cơ sở y tế để nạo phá thai.
Cũng qua sự việc này, với con số cụ thể mà cơ quan chức năng cung cấp, chúng ta mới giật mình trước thực trạng nạo phá thai hiện nay đang ở mức đáng báo động.
Theo luật sư Vinh, nếu các phòng khám, bệnh viện coi thi hài thai nhi sau nạo phá thai là rác thải y tế thì cần phải xem quy trình xử lý đối với rác thải y tế ra sao? Hơn nữa, loại rác thải này lại là thi thể, nếu cũng xử lý cùng quy trình với những loại rác thải y tế khác thì nhiều người cho rằng như vậy không nhân đạo, nên mới xuất hiện một số cá nhân, một số nhóm, tổ chức đến các cơ sở y tế xin lại thi hài thai nhi này để mang đi mai táng thì việc làm này về mặt tâm linh được đánh giá là rất tốt; giảm tải một phần gánh nặng cho các phòng khám, bệnh viện; bởi không phải cơ sở y tế nào cũng đủ điều kiện để làm việc này.
Tuy nhiên, vấn đề luật sư Vinh muốn đề cập ở đây là việc các cơ sở y tế có được phép bàn giao thi hài thai nhi cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài hay không? Quy trình xử lý các thi hài này của các cơ sở y tế như thế nào, nhất là đối với những thi hài quá to (người mẹ phá thai ở những tháng thứ 5, 6,…).
“Cơ quan chức năng cũng cần xác minh, làm rõ lý do các nhóm cá nhân, tổ chức thu gom thi hài thai nhi? Thu gom ở đâu? Nơi nào bàn giao và tại sao lại bàn giao một cách dễ dàng, với số lượng nhiều như vậy? Đường đi của những thai nhi này đến đâu, có thực sự được mang chôn cất hay còn có hoạt động gì phía sau,… Làm rõ được các dấu hỏi trên thì khi đó mới xác định được bản chất vụ việc”, luật sư Vinh nói.
Do vậy, luật sư cũng đồng tình với việc cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ, xác minh số thi hài thai nhi này mà các đối tượng, các cơ sở y tế lấy ở đâu, với số lượng lớn như vậy, tránh gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Vinh nói thêm: Trái ngược với nhóm tình nguyện thu gom thi hài thai nhi vì mục đích nhân đạo thì không tránh khỏi những đối tượng xấu cũng thực hiện công việc này vì mục đích tư lợi cá nhân. Có tư lợi hay không, việc này thuộc thẩm quyền, chức năng điều tra xác minh của cơ quan công an.
Luật sư Vinh cho biết: Trong BLHS có quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 319). Tuy nhiên, thi thể trong trường hợp này lại được các cơ sở y tế tự nguyện bàn giao cho các cá nhân, tổ chức này; do vậy chưa được gọi là xâm phạm thi thể; cho nên khó xử lý vì chưa rõ ràng.
Luật sư cũng đề cập đến việc, hiện nay có một số phòng khám, cơ sở y tế tự phát không được phép nạo phá thai nhưng họ vẫn tiền hành làm “chui” thì cần phải được kiểm tra, xử lý triệt để, nhằm tránh gây những thiệt hại không mong muốn.