Ngay sau khi TP HCM công bố sẽ giãn cách xã hội 15 ngày theo chỉ thị 15 toàn TP và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp; phường Thạnh Lộc, quận 12, người dân nhiều khu vực ùn ùn đi mua sắm nhu yếu phẩm. Nhờ đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng tăng gấp rưỡi - gấp đôi ngày thường, huy động toàn bộ lực lượng nhưng trước sức mua tăng đột biến, một số siêu thị nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu hàng cục bộ.
Không có tình trạng mua gom
Siêu thị Emart (Gò Vấp) ngày thường đã đông đúc, từ trưa 30-5 càng đón lượng khách đông kỷ lục. Không gian rộng lớn của trung tâm mua sắm này trở nên nhỏ hẹp bởi lượng người xếp hàng chờ xịt nước rửa tay diệt khuẩn, chen chúc trong khu mua sắm rồi xếp hàng chờ tính tiền. "Lượng khách tăng đột biến, cao hơn cả đợt giãn cách xã hội năm rồi nên dù huy động tổng lực và châm hàng lên liên tục nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng thiếu hàng cục bộ ở một số nhóm hàng" - đại diện Emart cho hay.
Tại các siêu thị Top Market, Co.opmart, VinMart… ở khu vực Gò Vấp, Bình Thạnh (giáp Gò Vấp) và quận 12, lượng khách cũng tăng gấp đôi, gấp 3 ngày thường. Ông Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, cho biết khi vừa có thông tin giãn cách xã hội, một số siêu thị VinMart xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm thực phẩm, dẫn đến một số hàng hóa, đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu bị trống kệ trong chốc lát. Siêu thị nhanh chóng tăng cường hàng hóa lên quầy kệ, tăng cường số lượng nhân viên hỗ trợ lên gấp đôi, bảo đảm hàng hóa luôn đầy ắp.
"Làn sóng" mua sắm lan rộng khắp các quận huyện, hầu hết siêu thị, cửa hàng đều đón lượng khách tăng cao. Chợ đầu mối, chợ lẻ cũng cùng chung cảnh tượng "đông như Tết", tập trung ở các mặt hàng rau củ quả, thịt heo, thịt gà/vịt, trứng, gạo, mì gói, dầu ăn, gia vị, đồ hộp… Theo quan sát, trước giờ TP HCM thực hiện giãn cách toàn xã hội lần này không có hiện tượng mua gom, dự trữ số lượng lớn các mặt hàng gạo, trứng, mì gói, thịt… như năm 2020 mà tăng đều ở các mặt hàng thực phẩm, mục đích có thể sử dụng trong vài ngày để hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà trong những ngày kế tiếp.
Người dân mua nhu yếu phẩm trước ngày giãn cách xã hội tại Co.opmart Phú Lâm (quận 6, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bình tĩnh, chủ động ứng phó
Cũng ghi nhận lượng khách tăng cao, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho biết siêu thị đang tổ chức phân luồng, để khách hàng xếp hàng bên ngoài, thực hiện các thủ tục khai báo y tế, kiểm tra nhiệt độ, khử khuẩn và cho khách vào theo từng nhóm để bảo đảm an toàn hơn. "Từ đầu tháng 5, Saigon Co.op đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nhiều tháng và bảo đảm phương án vận chuyển, phân phối trong mọi tình huống. Hiện lượng hàng hóa của Saigon Co.op từ các tỉnh về TP HCM vẫn thông suốt, duy trì ổn định, nguồn hàng dồi dào nên giá cả có xu hướng giảm nhẹ. Hàng hóa đang tăng cường về thêm từ các nguồn cung và trung tâm phân phối, các siêu thị sẽ tiếp tục đầy hàng hóa trong đêm 30-5 và sáng 31-5. Hàng hóa thiết yếu và hàng hóa chống dịch được lưu trữ và có chương trình lâu dài nên không sợ thiếu trong thời gian giãn cách" - ông Đức thông tin và khẳng định các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food sẵn sàng kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, song song việc bảo đảm tuân thủ các quy định 5K để phòng chống dịch.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số doanh nghiệp (DN) cho hay với kinh nghiệm tổ chức sản xuất, cung ứng hàng hóa qua nhiều đợt dịch, họ đã chủ động kích hoạt chế độ "thời chiến" từ nhiều tuần nay: phân công sản xuất, tính toán phương án sản xuất, lưu kho dự trữ, vận chuyển giao hàng… đến các địa điểm phân phối, trong đó có cả các điểm cách ly tập trung nên luôn sẵn sàng cho kế hoạch tăng mạnh nguồn cung khi thị trường cần.
"Nhân viên giao hàng của công ty vẫn đang trên đường đưa thêm trứng gà/vịt đến các siêu thị, cửa hàng. Nếu như trước ngày giãn cách xã hội năm 2020, tất cả hệ thống phân phối đồng loạt "gọi" hàng, công ty trở tay không kịp thì lần này mọi người đã bình tĩnh chuẩn bị kỹ nên chủ động hơn. Từ chiều 30-5, lượng hàng bổ sung cho các hệ thống bán lẻ đã tăng khoảng 30% so với ngày thường, đủ để các siêu thị/cửa hàng bán đến hết ngày. Sáng 31-5, sẽ có đợt giao hàng mới" - ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thông tin và nói thêm nguồn hàng rất dồi dào, giá cam kết ổn định nên người tiêu dùng không cần mua trữ.
Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay TP đang rất quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để chống dịch. Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian TP giãn cách với nguồn hàng dồi dào, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân. Vì vậy, người dân không quá lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ dẫn đến hiện tượng chen chúc, không tuân thủ các quy định chống dịch.
Bảo đảm đủ hàng, giữ ổn định giá
Để chuẩn bị cho quá trình sinh hoạt của người dân trong điều kiện giãn cách, ngành công thương TP đã kích hoạt kế hoạch đáp ứng cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh tế. "Mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức), đáp ứng khoảng 70 % nhu cầu tiêu dùng của người dân TP. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các DN phân phối lớn đảm nhiệm 30% còn lại. Bên cạnh đó, hằng đêm có khoảng 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm và 800-900 tấn thủy, hải sản. Sở đã kích hoạt liên kết 22 tỉnh, thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường; yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh dịch vụ bán hàng online để giảm tiếp xúc, tụ tập đông người, bảo đảm công tác phòng chống dịch" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.
Xem thêm: mth.98355341203501202-hcac-naig-mch-pt-oig-court-oad-iod-aoh-gnah/et-hnik/nv.moc.dln