Nhiều thời điểm quầy thực phẩm trong siêu thị Co.op Mart Nguyễn Kiệm, TP.HCM trống vì châm thêm hàng không kịp (ảnh chụp chiều 30-5) - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tuy nhiên lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cam kết đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho dân.
Đơn hàng đổ về "app" quá tải
Chỉ trong vài giờ khi có thông tin TP.HCM giãn cách, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tươi sống có gian hàng trên nền tảng bán hàng online chứng kiến lượng đơn hàng đổ về tăng đột biến. Chỉ trong vài giờ, con số đơn hàng tăng đến vài trăm phần trăm, tập trung vào hàng thiết yếu như rau củ quả, nước mắm, dầu ăn, gạo, mì gói...
Đại diện Central Group cho biết có thời điểm lượng đơn hàng đặt mua ở các chuỗi bán lẻ của các tập đoàn như Tops Market... tăng quá mạnh, dẫn đến ứng dụng bị quá tải, nhân viên siêu thị phải tăng cường xử lý đơn hàng nhưng không xuể nên phải áp dụng biện pháp "can thiệp vận hành" bằng cách tạm đóng gian hàng trong một số thời điểm.
Theo đại diện Grab Việt Nam, một số cửa hàng đã phải "đóng cửa" gian hàng online khi lượng đơn đạt đến mức nào đó. Hệ thống online cũng tự ngắt và tạm thời ngưng tiếp nhận đơn hàng mới.
Nhiều người mua hàng phản ảnh trong sáng 30-5 họ cố gắng hoàn thành đơn hàng ở một số siêu thị có bán hàng trên Grab, nhưng không thành công do các điểm bán online này chuyển sang chế độ "tạm đóng cửa".
Theo ghi nhận, những cửa hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị nằm trong khu dân cư đông đúc bị quá tải phục vụ khách đến mua sắm cũng chọn phương án ngưng nhận đơn hàng online, tập trung nhân viên liên tục tiếp hàng tại điểm bán.
Thực phẩm các tỉnh vẫn về thành phố
Theo thông báo của Sở Công thương TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại ba chợ đầu mối, đáp ứng cỡ 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân TP. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp phân phối lớn đảm nhiệm 30% còn lại.
Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian TP giãn cách và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM, các hệ thống bán lẻ, đơn vị tham gia chương trình bình ổn hàng hóa được yêu cầu chủ động dự trữ hàng. Trung bình mỗi đêm có khoảng 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác về TP.
"Chương trình kết nối cung cầu giữa TP với 22 tỉnh thành trong cả nước đảm bảo nguồn hàng về TP không bị gián đoạn, thậm chí giá cả có xu hướng giảm nhẹ" - ông Vũ nói và khuyến cáo người dân mua sắm cân đối với nhu cầu, tránh lãng phí vì nhiều mặt hàng không bảo quản được lâu.
Siêu thị không còn mát lạnh
Trong những ngày giãn cách, siêu thị tổ chức phân luồng, để khách hàng xếp hàng bên ngoài siêu thị, thực hiện các thủ tục khai báo y tế, kiểm tra nhiệt độ, khử khuẩn và sau đó vào từng nhóm để đảm bảo an toàn hơn.
Từ ngày 31-5, các siêu thị trên địa bàn TP được yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, trong đó có việc điều tiết nhiệt độ không để dưới 25oC.
"Chúng tôi cũng đã yêu cầu các điểm bán hàng, siêu thị hạn chế mở máy lạnh, hoặc điều chỉnh nhiệt độ tại các điểm bán phù hợp với tiêu chí phòng chống dịch" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
TTO - Ngay sau khi TP.HCM công bố sẽ giãn cách xã hội 15 ngày theo chỉ thị 15 toàn TP và chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và quận 12, người dân ùn ùn đi mua sắm nhu yếu phẩm. Còn các siêu thị tuyên bố sẵn sàng tăng nguồn cung gấp 2-3 lần khi cần.
Xem thêm: mth.71401252203501202-hcac-naig-yagn-gnort-gnod-taoh-iht-ueis-ohc/nv.ertiout