Theo phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, do diện tích huyện đảo không lớn nên hàng chục năm qua huyện Lý Sơn chưa triển khai thực hiện bất kì một dự án khu dân cư nào, để lấy đất cấp cho dân làm nơi ở được.
Cùng với dân số tăng nhanh, trong khi diện tích đảo không lớn (khoảng 10,4km2) và kể từ khi được kéo nối với điện lưới quốc gia vào năm 2014, tiềm năng du lịch của Lý Sơn được đánh thức.Mỗi năm, huyện đảo thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan và du lịch, dẫn đến nhu cầu về đất ở, xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ của người dân trên đảo tăng cao.
Tuy nhiên hiện nay quỹ đất ở trên đảo đang dần cạn kiệt. Phần lớn những khu vực bằng phẳng có thể làm đất ở, đất buôn bán cho người dân lại là đất sản xuất trồng hành và tỏi, những đặc sản mang lại thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân Lý Sơn.
“Với tình trạng dân số và nhu cầu xây dựng các công trình để phát triển dịch vụ du lịch ngày càng tăng như những năm qua, nếu không lấn biển mở rộng diện tích phát triển kinh tế và quy hoạch đất ở, đất buôn bán cho người dân thì bắt buộc phải thu hẹp dần đất nông nghiệp. Nhưng nếu vậy thì không còn đất nông nghiệp để sản xuất, nên muốn giải quyết nhu cầu trên của người dân, cách duy nhất là phải lấn biển. Và lãnh đạo các cấp ngành tỉnh Quảng Ngãi cũng đã khẳng định hướng đi này là đúng, phù hợp”, bà Hương cho biết.
Trên thực tế, việc người dân tự phát lấn biển để mở rộng mặt bằng buôn bán diễn ra ngày càng tăng. Nhiều gia đình dùng biện pháp thủ công và phương tiện thô sơ chở từng viên đá, bao đất đổ lấp dần để tạo mặt bằng, buôn bán, phục vụ khách du lịch, việc này đã ảnh hưởng đến môi trường cũng như cảnh quan của huyện đảo.
Cho rằng nhu cầu đất ở của người dân trên đảo hiện nay cần giải quyết sớm, đề xuất lấn biển của huyện Lý Sơn là hướng đi đúng và phù hợp, ông Đặng Văn Minh cho biết sẽ chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh nghiên cứu, xem xét và đưa ra phương án (lấn biển) phù hợp nhất, tham mưu cho tỉnh có chỉ đạo cụ thể.
Phải được người dân đồng thuận
Theo bà Phạm Thị Hương, nếu xác định lấn biển là hướng đi đúng, thì vấn đề là phải chọn phương cách và hình thức thực hiện (lấn biển) thế nào cho hài hòa, phù hợp không làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung và các vấn đề liên quan khác gây ảnh hưởng không tốt đến kinh tế, xã hội, dư luận người dân ở trên đảo. Vị trí, khu vực chọn thực hiện phải phù hợp và nhận được sự đồng thuận của người dân.
Theo đó, nếu đề xuất lấn biển được tỉnh chấp thuận, cho phép triển khai thực hiện, chính quyền huyện Lý Sơn sẽ tổ chức lấy ý kiến và đóng góp của người dân trên đảo. Trên cơ sở đó sẽ chọn ra những vị trí và khu vực phù hợp nhất để thực hiện việc lấn biển.
Được biết, huyện Lý Sơn có tổng diện tích khoảng 10,4 km2, gồm có 2 đảo An Bình (đảo Bé) và đảo Lớn (trung tâm huyện), với tổng số dân hiện trên 22.000 người, mật độ dân số khoảng 2.134 người/km2. Đại đa số các khu dân cư nằm tập trung ở phía nam của đảo, với mật độ dân số tại nhiều vị trí và khu vực như phía đông An Hải, phía tây An Vĩnh ước lên trên 3.000 người/km2.
Nguyễn Ngọc
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.42833558013501202-neib-nal-ut-uad-ahn-iom-taux-ed-nos-yl/nv.zibefac