Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất kinh doanh, tấn công trực tiếp vào các khu công nghiệp nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, sử dụng một lượng lớn lao động, nhất là tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Tâm chấn của dịch COVID-19 rơi vào các khu công nghiệp tại Bắc Giang đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ luật Lao động 2019, người lao động ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm thì được người sử dụng lao động trả lương ngừng việc. Mức lương ngừng việc theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu trong 14 ngày nghỉ việc đầu tiên.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, thời gian cách ly y tế thực tế có thể kéo dài trên 14 ngày theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người lao động và gia đình họ do phải cách ly y tế, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất Chính phủ xem xét, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động phải cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 điều kiện đối với địa phương và người lao động để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi cách ly.
Với người lao động, những người này phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tháng liền kề trước khi nghỉ việc vì cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19, có giấy tờ liên quan việc phải cách ly y tế như "quyết định cách ly y tế"...
Đối với địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên; Phương án 2 là tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có tỷ lệ người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% trở lên.
Mức hưởng chế độ sẽ bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc, được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội về mức hưởng chế độ ốm đau.
Bộ LĐ-TB&XH tính toán, với tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội năm 2020 là 5,6 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ trong trường hợp này là 175.000 đồng/ngày.
Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, trong trường hợp hỗ trợ 300.000 người lao động trong 21 ngày cách ly (tương ứng với 18 ngày làm việc), số tiền hỗ trợ ước tính là khoảng 945 tỷ đồng, bằng 7,4% kết dư quỹ ốm đau và thai sản hiện nay.
VTV.vn - Theo thống kê, số người đang tham gia bảo hiểm xã hội rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu là khá lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!