Chở trẻ không đội mũ bảo hiểm mà còn dừng xe không đúng vạch quy định khi chờ đèn đỏ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức đã nói như vậy về tình trạng lơ là đội nón bảo hiểm cho con hiện nay của nhiều bậc phụ huynh.
Rủi ro thương vong
Theo TS Vũ Anh Tuấn, có một thực tế tồn tại ở Việt Nam là trong khi các bộ ngành nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông, hướng đến mục tiêu giao thông không thương vong thì số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông vẫn còn khá cao.
Có thể thấy, nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông - Ảnh: NHẬT THỊNH
Một báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em chết vì tai nạn giao thông, cùng với đó là khoảng gần 4.000 trẻ bị thương. Đây là một con số đáng báo động và chúng ta cần sớm có chính sách để khắc phục điều này.
Mỗi ngày khi ra đường không khó bắt gặp những hình ảnh phụ huynh đi xe máy chở trẻ em dưới 6 tuổi mà không đội nón bảo hiểm cho con. Một người mẹ chở hai đứa con nhỏ, người mẹ có đội nón nhưng cả hai đứa con thì không. Khi xảy ra va chạm giao thông trên đường dù nặng hay nhẹ, các bé dễ dàng văng ra khỏi xe, đầu đập vào đất là dạng tổn thương thường gặp nhất dẫn đến tử vong ở trẻ.
Trường hợp bố mẹ chở con ra đường bằng xe ô tô thì lại không thắt dây an toàn cho con, chỉ cần phanh gấp trẻ lập tức bị va đạp vào các bộ phận trên xe rất nguy hiểm. Những rủi ro trên đều do lỗi chủ quan của người lớn.
"Nhiều trường hợp đi xe máy không đội nón bảo hiểm cho con, khi được hỏi, họ hồn nhiên trả lời là do chỉ đi gần nhà nên nghĩ không sao, vả lại cũng không bị cảnh sát giao thông phạt hay nhắc nhở gì cả. Có người còn chống chế theo quy định trẻ dưới 6 tuổi phải đội nón bảo hiểm" - ông Tuấn kể lại.
Có mặt trước cổng trường khu vực quận Gò Vấp, TP Thủ Đức một ngày trong tháng 5 có rất nhiều phụ huynh đón con giờ tan trường chở 2, 3 trẻ cùng lúc nhưng không hề đội nón bảo hiểm cho con. Không chỉ vậy, vài phụ huynh vừa chở trẻ vừa nghe điện thoại…
Giải quyết từ ý thức người dân
Cảnh sát giao thông xử phạt một trường hợp chở trẻ không đội mũ bảo hiểm trên đường Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đề cập vấn đề này, đại diện Ban An toàn giao thông TP.HCM chia sẻ từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng, ngành giáo dục thường xuyên nhắc nhở phụ huynh phải đội nón bảo hiểm cho trẻ em khi đi đường. Nhưng thực tế nhiều phụ huynh ngó lơ. Vị này nhận định, ngoài ý thức kém còn có sự chủ quan của các bậc phụ huynh.
Để hạn chế việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ khi đi xe máy, Ban An toàn giao thông TP cùng lực lượng cảnh sát giao thông triển khai các biện pháp kiểm tra, rà soát, xử phạt nghiêm khắc và sắp tới còn làm "mạnh hơn" nữa các trường hợp không đội nón bảo hiểm nhằm nâng cao ý thức người dân.
Phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho mình bỏ quên con trẻ - Ảnh:NHẬT THỊNH
Ngoài ra, các bên phối hợp với nhau tặng hàng ngàn nón bảo hiểm ở các trường học có vị trí ngay mặt đường lớn, lưu lượng xe đông và hay xảy ra vi phạm giao thông để tuyên truyền, vận động người dân tăng ý thức chấp hành.
Gần đây Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị Trưởng Ban an toàn giao thông các địa phương tổ chức những chương trình vận động cha mẹ học sinh đăng ký và thực hiện cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông cho học sinh, đặc biệt phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi môtô, xe máy, không giao môtô, xe máy cho trẻ em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định.
TS Tuấn đưa ra đề xuất cần nghiên cứu phải bổ sung quy định riêng biệt yêu cầu trẻ dưới 6 tuổi cũng cần đội nón bảo hiểm vào Luật giao thông đường bộ. Nếu phụ huynh không chấp hành thì xử phạt du di như trước nay nữa. Bởi theo ông Tuấn việc đội nón bảo hiểm, thắt dây an toàn có thể giúp giảm 50% khả năng trẻ em tử vong khi xảy ra tai nạn giao thông.
Đồng thời, có thể nghiên cứu đưa chương trình về an toàn giao thông giảng dạy cho trẻ ngay từ khi còn bé. Từ 6 tuổi cho trẻ làm quen dần, kể từ cấp 2 đưa hẳn an toàn giao thông vào chương trình học bắt buộc để giúp trẻ nhận thức đầy đủ, tham gia giao thông có kiến thức.
Văn minh giao thông luôn có công của từng người tham gia. Bạn chính là đại diện cho thói quen văn minh bạn mong muốn lan tỏa. Vì vậy, đừng tiếc một hành động chia sẻ để giúp cho thông điệp nhân văn: “Thay thói quen nhỏ, tạo ý nghĩa to” có thể được lan tỏa rộng rãi, từ đó truyền cảm hứng đến cộng đồng cùng thay đổi để góp phần cải thiện tình trạng giao thông.
Chương trình “10 thói quen văn minh giao thông” với thông điệp “Thay thói quen nhỏ, tạo ý nghĩa to” bắt đầu diễn ra từ ngày 9-3-2021 đến 9-6-2021 trên phạm vi cả nước.
Độc giả chỉ cần truy cập vào đường link https://bit.ly/3lmEAMZ và thực hiện 3 bước sau:
Bước 1: Đăng nhập và điền đầy đủ thông tin được yêu cầu.
Bước 2: Từ top “10 thói quen được quan tâm”, độc giả sẽ chọn 1 thói quen mà bạn mong muốn mọi người thực hiện tốt và bấm nút “Chia sẻ”. Màn hình sẽ hiện ra bài chia sẻ với hình thức tấm postcard có hình ảnh của bạn, thói quen bạn muốn chia sẻ và chữ ký điện tử của bạn.
Bước 3: Chia sẻ tấm postcard này lên trang Facebook cá nhân ở chế độ “Công khai” và kêu gọi người thân, bạn bè cùng tham gia chia sẻ.
TTO - Hằng ngày ra đường, chúng ta luôn dễ dàng bắt gặp các hành vi kém văn minh như: leo lề, xả rác xuống đường, vượt đèn vàng… gây nguy hiểm cho bản thân và ảnh hưởng những người xung quanh.
Xem thêm: mth.35161615182501202-ert-noc-neuq-ob-hnim-ohc-meih-oab-um-iod-hnyuh-uhp/nv.ertiout