Mở đầu màn gọi vốn là hình ảnh tái hiện lại thông tin: "Năm 2020, một chú rùa biển bị mắc 1 vật nhọn như 1 chiếc ống hút nhựa cắm sâu trong mũi. Những người dân địa phương và cứu hộ đã cố hết sức để cứu chú rùa này và rất may mắn là đã thành công. Mặc dù chú rùa ta mất khá nhiều máu.
Theo báo cáo của Hội nghiên cứu biển Hoa Kỳ, năm 2018, có hơn 8 tỷ chiếc ống hút đang làm ô nhiễm mọi bãi biển trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng trực tiếp tới các loài sinh vật biển. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng mỗi năm.
Màn gọi vốn của Founder, CEO Equo - Marina Trần Vũ (Việt kiều gốc Canada) kèm thông điệp bảo vệ môi trường. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Chúng tôi đã bắt gặp một cậu thanh niên trẻ đạp xe xuyên Việt để thu gom rác thải nhựa. Trả lời câu hỏi vì sao lại làm như thế, anh cho biết, anh rất lo lắng cho thế hệ tương lai, khi biết rằng số lượng rác thải nhựa này sẽ tồn tại trên Trái đất đến 500 năm, bằng với 5 thế hệ của một gia đình.
Vì vậy, mỗi ngày anh cố gắng nhặt nhiều rác nhất có thể, với hy vọng con cháu mình có thể sống trong một môi trường xanh sạch đẹp".
Vì mới về Việt Nam được 2 năm, Marina Trần Vũ đề nghị được thuyết trình bằng tiếng Anh vì "không rành tiếng Việt".
Chia sẻ về lý do công ty Equo ra đời, Marina Trần Vũ - Founder, CEO Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu HYYH cho biết, việc bắt gặp nhiều rác thải nhựa trong những lần du lịch Việt Nam thôi thúc cô phải làm điều gì đó cho thế hệ tương lai, giống như đứa cháu 2 tuổi của mình chẳng hạn.
Công ty đã sản xuất ra rất nhiều sản phẩm từ các vật liệu khác nhau thân thiện với môi trường và tự phân hủy như: dừa, gạo, cỏ bàng, cà phê và bã mía.
Trong lần gọi vốn này, sản phẩm đầu tiên Founder Equo giới thiệu là cây bút chì có thể trồng được. Đây là sản phẩm rất phù hợp để nâng nhận thức bảo vệ môi trường cho trẻ nhỏ, bằng cách sau khi dùng sẽ cắm chúng vào đất, từ đất cây sẽ phát triển.
Sản phẩm thứ 2 là các bộ dao, muỗng, nĩa được làm từ bã mía; phù hợp sử dụng cho các nhà hàng.
Marina Trần Vũ chia sẻ về lý do ra đời dự án. Ảnh chụp màn hình
Shark Liên tỏ ra khá tò mò về nguyên lý của sản phẩm bút chì có thể trồng được. Theo lý giải của Shark Hưng, trong ruột bút chì có hạt giống, vỏ bút chì làm bằng vật liệu có thể tự phân hủy từ gelatin, khi có nước sẽ tự tan ra.
Equo hiện đang phân phối ở 4 thị trường quốc tế là Mỹ, Úc, Canada và Việt Nam. Nữ CEO muốn kết hợp giữa yếu tố Đông và Tây vì phương Tây là nơi mình lớn lên và trưởng thành, nhưng phương Đông lại chính là cội nguồn của cô.
Vừa kết thúc màn thuyết trình, Shark Bình bất ngờ tuyên bố muốn chốt deal với chia sẻ: "Đối với những startup như thế này thì anh không cần chờ đợi gì nữa mà sẽ chốt luôn".
Tuy nhiên lý do Shark Bình đưa ra mới thật bất ngờ: "Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Trong các deal về môi trường, đặc biệt là phụ nữ, tại Shark Tank mùa trước tôi đã bị đả bại dưới tay Shark Liên, một "cá mập" cực kỳ thân thiện với môi trường. Chính vì vậy tôi chắc chắn sẽ không bao giờ thắng được deal này trước Shark Liên nên tôi xin rút".
Shark Liên hỏi Marina rằng muốn được mọi người biết đến là một cô gái Việt Nam hay cô gái Canada, cô cho rằng, "dù được sinh ra và lớn lên tại Canada nhưng tôi hiểu rằng cho dù ở đâu đi nữa tôi vẫn mãi mãi là một người Việt Nam" và chia sẻ thêm, dù mới trở về VN được 2 năm nhưng tình yêu cô dành cho con người và đất nước Việt Nam là vô cùng lớn.
Shark Hưng khuyên: "Yêu thôi là không đủ để làm kinh doanh thành công, điều đầu tiên khi nói đến tiền bạc là phải chấm dứt tình cảm", nên tập trung vào những lợi thế kinh doanh nào bản thân thấy có thể khai thác được tại đây; ví dụ, về nguyên liệu, nhân công,...
Equo chính thức giới thiệu sản phẩm vào tháng 12/2020 và tính đến thời điểm hiện tại, Equo đạt được hơn 100.000 USD doanh thu cho tổng 4 tháng; tháng gần nhất là 8.000 USD. Giá bán một hộp 50 que ống hút là 60.000 VNĐ - 100.000 VNĐ tại Việt Nam và quốc tế là từ 10 - 20 USD.
Shark Việt và Marina Trần Vũ đã thống nhất bắt tay nhau ở con số 200.000 USD đổi lấy 40% cổ phần.
Shark Hưng cho rằng đây là một giá bán rất đắt so với ống hút nhựa thông thường. Tiếp đó, Shark Liên cũng đề cập đến nhược điểm của sản phẩm hiện tại là giòn, nhẹ, dễ gãy. Khi chuyển sang một thời tiết khác như khí hậu Việt Nam sẽ dễ bị vỡ.
Kết quả, dù Shark Bình đã "xin hàng" trước Shark Liên, nào ngờ, Shark Liên cũng nối gót "cá mập công nghệ" lắc đầu từ chối đầu tư vì hệ sinh thái của bà đã có một sản phẩm tương tự. Tiếp theo cả Shark Hưng, Shark Phú cũng nhanh chóng "rút lui" trước thương vụ này.
Vì vậy, quyết định "sống còn" đã dồn lên vai Shark Việt. Cuối cùng, "cá mập" đã đưa ra đề nghị cho Marina với 200.000 USD đổi lấy 45% cổ phần Equo. Và sau thời gian "kỳ kèo", Shark Việt và Marina đã thống nhất bắt tay nhau ở con số 200.000 USD đổi lấy 40% cổ phần.