Theo CNBC, trong chưa đầy một năm qua, JD - đối thủ của đế chế thương mại điện tử Alibaba - đã huy động được 12 tỷ USD qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của nhiều công ty con trên sàn chứng khoán Hồng Kông và New York. Bank of America là ngân hàng đầu tư duy nhất tham gia tất cả các đợt phát hành cổ phiếu của công ty Trung Quốc.
Gần đây nhất, ngày 28/5, JD Logistics, công ty vận tải thuộc JD, IPO trên sàn chứng khoán Hồng Kông, huy động khoảng 3,2 tỷ USD. JD Logistics hiện sở hữu mạng lưới nhà kho khổng lồ và hơn 200.000 nhân viên vận chuyển, giúp hoạt động kinh doanh thương mại của JD.com cạnh tranh mạnh mẽ với Alibaba. Giá cổ phiếu công ty này đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên với mức giá tăng 3,3%. Trong phiên, có thời điểm mã này tăng tới 18%.
JD Logistics được Tập đoàn JD thành lập vào năm 2007 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu kho, xử lý hàng tồn kho và giao hàng khi hoạt động mua sắm trực tuyến bùng nổ ở Trung Quốc. JD Logistics được tách ra vào năm 2017 và hoạt động là một công ty con độc lập.
Tháng 12/2020, JD Health, công ty bán dược phẩm và vận hành nền tảng tư vấn y tế trực tuyến của JD, cũng huy động được 4 tỷ USD khi IPO trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu công ty này đã tăng hơn 50%.
Trước đó, ngày 18/6/2020, công ty mẹ JD huy động gần 4,5 tỷ USD khi niêm yết lần hai trên sàn Hồng Kông. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng khoảng 25%. Trong khi đó, cổ phiếu JD trên sàn chứng khoán New York tăng hơn 280% kể từ khi niêm yết vào năm 2014. Cũng trong tháng 6 năm ngoái, công ty giao thực phẩm Dada Nexus của JD huy động được 320 triệu USD khi IPO trên sàn Nasdaq và từ đó đến nay, mã này đã tăng khoảng 59%.
Theo đó, tổng giá trị vốn huy động được của cả 4 đợt phát hành cổ phiếu trên là 12,02 tỷ USD. Tổng giá trị vốn hóa của 4 cổ phiếu trên, không tính cổ phiếu công ty mẹ tại New York, là khoảng 198 tỷ USD, theo dữ liệu từ Wind Information.
Mặc dù huy động vốn khả quan, JD cũng như hàng loạt đại gia công nghệ Trung Quốc đối mặt nhiều áp lực khi Bắc Kinh liên tục có các biện pháp giám sát mạnh mẽ đối với lĩnh vực này. Gần đây nhất, vào cuối tháng 4, Tencent, JD, nền tảng giao đồ ăn Meituan và 10 nền tảng trực tuyến khác đã bị Ngân hàng Trung ương triệu tập và yêu cầu chịu sự giám sát hoàn toàn của các cơ quan quản lý tài chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, hoạt động thương mại điện tử vẫn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc tại Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới cũng như các quốc gia khác khi người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong đại dịch Covid-19.