Maguire (trái) và Ronaldo là những vấn đề nổi cộm ở M.U vào lúc này - Ảnh: AFP
Ronaldo, Maguire, những cầu thủ trẻ như Rashford, Greenwood, Elanga và cả cấu trúc vận hành lối chơi đặt ra cho chiến lược gia người Hà Lan những câu hỏi nổi cộm vào lúc này.
Vai trò của Ronaldo
Ngay từ khi có tin đồn về việc ban lãnh đạo M.U mời HLV Erik ten Hag, dư luận đã đồn đãi về sự ra đi của Ronaldo. Với vị thế quá lớn của mình, Ronaldo bị quy trách nhiệm cho sự sa sút của M.U mùa giải vừa qua.
Tuy bản thân Ronaldo chơi khá tốt, nhưng nhiều chuyên gia nhận định anh gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến chuyên môn ở sân Old Trafford. Trong đó bao gồm việc đè nén những cầu thủ trẻ, gây lục đục nội bộ, cũng như không còn đủ thể lực để cạnh tranh ở một môi trường bóng đá khắc nghiệt như Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Vài ngày trước, Erik ten Hag đã lên tiếng khẳng định sẽ giữ chân Ronaldo. Nhưng không loại trừ đó là một lời nói xã giao của chiến lược gia người Hà Lan. Dù ông thực sự có ý định giữ chân Ronaldo, siêu sao Bồ Đào Nha vẫn khó lòng giữ vai trò trụ cột trong đội ngũ M.U ở mùa giải tới. Có hợp lý hay không khi cuộc cách mạng ở bóng đá xứ sương mù lại giao trọng trách cho một tiền đạo đã 37 tuổi?
Băng đội trưởng của Maguire
Trong vô vàn những lời chỉ trích, rủa sả, mỉa mai, châm chọc được trút lên M.U mùa giải này, trung vệ Maguire có lẽ phải hứng chịu đến phân nửa. Hình ảnh chậm chạp, vụng về và liên tiếp mắc sai lầm của Maguire trở thành đề tài châm biếm xuyên suốt mùa giải. Với áp lực kiểu vậy, "Quỷ đỏ" đơn giản chỉ cần bán anh là xong. Nhưng khốn nỗi Maguire lại là người giữ băng đội trưởng.
Việc cựu trung vệ Leicester kế thừa tấm băng đội trưởng từ Ashley Young hơn 2 năm trước từ đầu đã gây ra nhiều tranh cãi. Và dường như sức ép từ chiếc băng đội trưởng càng khiến Maguire chơi tệ hơn. HLV Erik ten Hag có lẽ nên tránh vết xe đổ của hai người tiền nhiệm (Solskjaer và Rangnick). Thủ thành De Gea là cái tên phù hợp nhất thời điểm này xét về cả tầm vóc, uy tín và kinh nghiệm của mình.
Hệ thống chiến thuật nào?
HLV Erik ten Hag từng là cộng sự của Pep Guardiola ở Bayern Munich. Và một tay ông đã nâng tầm những cầu thủ giàu chất kỹ thuật như Frenkie De Jong, Van De Beek, Hakim Ziyech ở Ajax.
Những dữ liệu đó sẽ dễ dàng dẫn đến một nhận định rằng Erik ten Hag là một phiên bản khác của Guardiola. Nhưng trong vài năm gần đây, giới chuyên môn đánh giá phong cách của Erik ten Hag ngả về hướng pressing kiểu Đức, mà cụ thể là gegenpressing như HLV Jurgen Klopp.
Thế giới của chiến thuật bóng đá không đơn giản chỉ chia làm hai: tiki-taka theo Guardiola, hay pressing như Klopp. Việc M.U sẽ theo đuổi trường phái nào dưới thời của Erik ten Hag là một chủ đề hấp dẫn. Trong những ngày làm việc cuối cùng ở Old Trafford, HLV Ralf Rangnick đã lên tiếng chê khả năng pressing của Ronaldo - người không hề phù hợp trong triết lý bóng đá của ông.
Và không chỉ Ronaldo, cả những cầu thủ có thái độ thi đấu "èo uột" như Rashford, Greenwood, McTominay cũng khó lòng phù hợp với hệ thống chiến thuật ngả về hướng pressing.
TTO - Điều khiến ban lãnh đạo CLB Manchester United (M.U) chần chừ trong việc chốt hợp đồng với HLV Erik Ten Hag là do điều kiện có thể làm thay đổi truyền thống đội bóng của ông.
Xem thêm: mth.81032410110602202-u-m-ned-ihk-gah-net-kire-vlh-auc-uad-uad-noc-gnuhn/nv.ertiout