Trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 30-5 có bài viết “Đại dịch chưa qua, đại án đã tới” thông tin về những phân tích của luật sư, đại biểu Quốc hội (QH) Trương Trọng Nghĩa về vấn đề chống tham nhũng xoay quanh đại án Việt Á.
Các bị can đã bị khởi tố trong vụ án liên quan đến bộ kit test của Công ty Việt Á. Ảnh: CA |
Chống tham nhũng cần những cán bộ có tâm
Ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định là đại đa số người dân ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng (PCTN). Hàng loạt vụ việc, hàng loạt quan chức hư hỏng vừa qua bị đưa ra xét xử, hoặc ít nhất bị kỷ luật đảng cho thấy thành tựu của công tác PCTN, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Chính trị, nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có những vụ tưởng đã “chìm xuồng”, có những quan chức cấp rất cao tưởng như bất khả xâm phạm đã phải ra pháp đình.
Tuy nhiên, ông Nghĩa thấy còn một số băn khoăn: Những vụ như vụ Việt Á, “bay giải cứu giá cao”, vụ gian lận chứng khoán và trái phiếu gây tổn thất rất lớn về cán bộ. Nhiều người trong số đó đã đào luyện, thử thách trải qua nhiều cấp, nhiều cương vị lãnh đạo, là nguồn nhân lực cấp cao cả về quản lý, cả về chuyên môn y tế, ngoại giao. Tổn thất cán bộ ấy rất chua xót, khó đong đếm. Tại sao những vụ việc ấy không được phát hiện từ sớm, để đến lúc này đưa ra xử lý thì hậu quả rất nặng nề, thậm chí không thể khắc phục được?
Bài phỏng vấn đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
. “Trong cơn đại dịch, người dân tang thương, các địa phương phải căng mình chống dịch vậy mà lại có số cán bộ trong phòng chống dịch lại nhận quà hoa hồng tiền tỉ từ Công ty Việt Á. Dịch bệnh tuy đã giảm nhưng những nỗi đau mà người dân đã gánh chịu vẫn còn đó. Thật buồn!”- bạn đọc Nguyễn Song Giang.
. “Qua sông phải lụy đò đã trở thành nếp nghĩ từ xưa nay của người dân nói chung. Chừng nào người dân, doanh nghiệp thay vì thỏa hiệp, chấp nhận chi tiền để được việc chuyển sang phản kháng, đấu tranh trực diện với sự nhũng nhiễu của công quyền thì lúc đó mới có thể tạo bước ngoặt. Muốn chống nhũng nhiễu, tham nhũng trước tiên từ trong đội ngũ cán bộ viên chức vì họ hơn ai hết được rèn giũa, quán triệt thường xuyên đường lối, chủ trương của Đảng về chống tham nhũng mà cụ thể là bản thân họ phải kiên quyết nói không với nhận hối lộ”- bạn đọc Ngọc Trúc.
. “Đại dịch giờ xem như tạm ổn. Đại án vẫn còn chưa dứt nó tàn phá cán bộ ngành y tế. Những khó khăn, đau khổ rồi cũng sẽ qua nhưng niềm tin của người dân thì khó lấy lại. Mong rằng đây là bài học cuối cùng cho những quan tham”- bạn đọc Tấn Nguyễn Minh.
. "Mong tìm ra được điểm nứt gảy hay lổ hỏng để hoàn thiện bộ máy..."- bạn đọc AP
. "Nhà nước nên có hướng xử lý bằng cách thanh kiểm tra, và gắng trách nhiệm thực hiện quyền duy nhất để không chịu sự khống chế của các ban ngành. Đồng thời phạt khi rủi ro, sai sót. Thưởng cho đội ngũ thanh tra khi họ hoàn thành tốt công tác. Thanh tra là những người phải được độc lập, không chịu sự khống chế của cấp trên ở một địa phương. Và họ được hưởng lương cao, chế độ thưởng tốt để không xảy ra tham nhũng cho ngành của mình"- bạn đọc Tongoctrinh.
Đừng để dự án chỉ nằm trên giấy
Bên cạnh đó, trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 31-5 có bài viết đầu tiên từ loạt bài “Dân bất an trong chung cư hết đát" phản ánh về những bất an của người dân khi đang sống trên những chung cư bị xuống cấp tại TP.HCM. Bài viết cũng nhận được nhiều ý kiến mong mỏi của bạn đọc.
. “Đây là vấn đề hết sức cấp bách liên quan đến tính mạng người dân. Đề nghị các cơ quan sớm có phương án di dời cải tạo lại để người dân có thể yên tâm sinh sống”- bạn đọc Phan Trí.
. “Việc gì có thể chậm trễ được nhưng việc di dời này là phải làm ngay. Thử nghĩ xem, nếu không may đang ở, chung cư bị sập xảy ra thương vong thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước dân”- bạn đọc Nguyễn Phan.
. "Sống giữa thành phố hiện đại bật nhất của đất nước mà suốt ngày phải nơm nớp lo sợ không biết khi nào nhà mình bị sập, đây quả là một nghịch lý. Đề nghị các cơ quan nhanh chống triển khai kế hoạch sửa chữa xây dựng lại không thể để dự án từ năm này qua tháng nọ còn ở trên giấy mà làm khổ dân" - bạn đọc Thanh Mai.
. "Quy định là do con người đưa ra nếu thấy vướng thì sửa. Là cán bộ trực tiếp xử lý thì nên mạnh dạn đề xuất tháo gỡ ngay chứ không thể thấy khó mà để đó"- bạn đọc Văn Đồng.