Ngày 1.6, tiếp tục kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai gia hân |
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đã đề cập đến việc triển khai gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Nghị quyết 43 là quyết tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ KH-ĐT đã đôn đốc rất quyết liệt nhưng có thực tế là chậm so với tiến độ đề ra và rất có thể những mục tiêu đề ra phải hoàn thành trong năm 2022 - 2023 nhưng không thể thực hiện.
"Một câu hỏi đặt ra chúng ta có lý do để chậm không? Cá nhân tôi cho rằng chúng ta không có nhiều lý do để chậm", bà Mai nói và cho rằng, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế triển khai trong điều kiện khách quan có thuận lợi khi dịch bệnh cơ bản được khống chế và đẩy lùi, nguồn lực sẵn sàng, quy trình thủ tục đơn giản hóa tối đa và thực hiện phân cấp tối đa tới từng bộ, ngành, địa phương.
"Có những tiền lệ mà trước đây chưa bao giờ thực hiện", bà Mai nêu.
Bà Mai cũng băn khoăn: với việc triển khai chậm như vậy có lãng phí cơ hội, thời gian hay không? Nếu như chúng ta đang lãng phí thời gian, cơ hội thì cũng đang lãng phí nguồn lực, ngân sách.
"Chúng ta có một kỳ họp Quốc hội đặc biệt, chương trình đặc biệt nhưng cũng rất cần quyết tâm đặc biệt, cách làm đặc biệt. Chính phủ cần rà soát tổng thể xem đang chậm ở đâu, vướng ở đâu và cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không đảm bảo tiến độ", bà Mai nêu thêm và cho rằng, rất thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt nhưng rất mong "sẽ không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh".
Trước đó, nhiều đại biểu thảo luận cũng phản ánh việc chậm triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế với các gói chính sách tài khóa, tiền tệ mà Quốc hội thông qua từ tháng 1.2022 với tổng giá trị lên tới 347.000 tỉ đồng.
Tới trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Chính phủ vẫn chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục các dự đầu tư để tiến hành phân bổ vốn nằm trong chương trình nói trên.