Một ngôi chợ bán gà tươi ở Malaysia ngày 31-5 - Ảnh: AP
Kể từ 1-6, lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của Malaysia chính thức có hiệu lực để bảo đảm nguồn cung trong nước. Không chỉ thịt gà, giá cả gần 90% mặt hàng thực phẩm và thức uống ở Malaysia đều đang tăng cao.
Trước đó, ngày 23-5, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob công bố lệnh cấm khi giá thịt gà và các sản phẩm từ thịt gà trên thị trường tăng mạnh và cung không đủ đáp ứng cầu.
Lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của Malaysia đã làm căng thẳng quan hệ với quốc gia láng giềng Singapore, nơi cơm gà là món ăn quốc dân. Singapore nhập 1/3 lượng gà từ Malaysia.
Tuy nhiên, không chỉ thịt gà, trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2022 của Cục Thống kê Malaysia, 89,1% các mặt hàng trong nhóm thực phẩm và đồ uống đã tăng giá.
Với giá thực phẩm tăng hơn 4,1%, đa số người tiêu dùng Malaysia đang cảm thấy khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng sự mất giá của đồng ringgit, chiến sự Nga-Ukraine, chính sách tiền lương tối thiểu mới và các vấn đề về chuỗi cung ứng là một trong những yếu tố góp phần làm giá cả tăng cao ở Malaysia.
Chị Michelle Tan cho biết giá của hầu hết các mặt hàng thực phẩm đã tăng lên trong những tháng gần đây. "Giá thì tăng nhưng lương của chúng tôi không tăng. Là một gia đình thu nhập trung bình, chúng tôi đang cắt giảm chi tiêu mua thực phẩm và rất cân nhắc khi mua những hàng hóa xa xỉ", chị Tan nói với Đài Channel News Asia (CNA).
Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2022 của Cục Thống kê Malaysia, thực phẩm tăng giá hơn 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và 89,1% các mặt hàng trong nhóm thực phẩm và đồ uống đã tăng giá.
Mặt hàng sữa, phô mai, trứng tăng 7,2% so với tháng 4-2021, thịt, rau, cá, hải sản tăng 6,2%. Giá cá hồi tăng gần 1/3, giá gà tăng 1/4, giá thịt heo xay tăng thêm 6 ringgit (31.000 đồng) mỗi ký.
"Nếu chúng tôi mà còn cảm thấy khó khăn, tôi không hiểu những người thu nhập thấp sẽ như thế nào", chị Tan nói. Chị cũng cho biết mình bắt đầu ăn ở nhà nhiều hơn để tiết kiệm chi phí.
Tại Singapore - nước láng giềng với Malaysia, dự kiến tình trạng giá cả tăng cao sẽ tiếp tục trong thời gian còn lại của năm 2022. Hai nguyên nhân chính khiến giá tăng cao là do ảnh hưởng từ việc phong tỏa chống dịch COVID-19 của Trung Quốc và chiến sự tại Ukraine, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu.
Theo báo Straits Times, lạm phát tại Singapore dự báo sẽ trầm trọng hơn, đạt đỉnh trong khoảng tháng 7 đến tháng 9-2022 và giảm nhiệt vào cuối năm.
TTO - Tác động giá xăng dầu ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Từ những đơn hàng xe công nghệ đến giá vé máy bay... cũng trên đà tăng giá.