Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2021 và quý 1/2022. Theo đó, Tổng khối lượng TPDN phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng), chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020.
Tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020. Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 18,2% GDP, tăng 42,4% so với cuối năm 2020.
Trong Quý 1/2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ cũng đạt 104.752 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 2 nhóm phát hành TPDN nhiều nhất, chiếm lần luợt 45,1% và 22,1%.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Tài chính đã điểm mặt 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm vừa qua với tổng số tiền lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản trong năm. Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp tỷ lệ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu lớn hơn vốn chủ sở hữu lên tới hàng chục lần.
Đơn cử như Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng trong năm 2021 đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng TPDN, tương đương tỷ lệ phát hành TPDN lớn hơn vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần. Hay Công ty Osaka Garden vốn chủ sở hữu chỉ có 270 tỷ đồng nhưng chỉ riêng trong năm 2021 đã phát hành 7.700 tỷ trái TPDN với lãi suất trung bình 11,1%. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới hơn 28,5 lần.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác đang có lượng phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty CP đầu tư và phát triển Residence gấp 6 lần; Công ty CP Hoàng Phú Vương gấp hơn 5 lần; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần, Công ty CP TM-QC-XD-Đia ốc Việt Hân….
Bộ Tài chính cho biết có 88,2% khối lượng TPDN do các công ty bất động sản, xây dựng phát hành có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán và 11,8% khối lượng phát hành là trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84%), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cố phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).
Theo Bộ Tài chính, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp bất động sản cao nhưng thực tế chât lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. “Trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, Bộ Tài chính cảnh báo.