Phó thủ tướng Nga Alexander Novak - Ảnh: AFP
"Các quyết định của Liên minh châu Âu (EU) nhằm loại bỏ một phần dầu mỏ và các sản phẩm dầu của Nga, cũng như cấm bảo hiểm đối với các tàu buôn của Nga, rất có thể sẽ đẩy giá cao hơn nữa, gây bất ổn thị trường năng lượng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng", Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo trong tuyên bố ngày 2-6.
Tuyên bố có đoạn mô tả động thái của EU giống như một hành động bấm nút "tự hủy" với thiệt hại lớn nhất là các nước này, theo Hãng tin Reuters.
"Rõ ràng, những gì là cốt yếu của các biện pháp đơn phương chống Nga và được thống nhất dưới danh nghĩa chống lệ thuộc vào Nga sẽ là hành động tự hủy đối với EU", Hãng thông tấn Tass trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn nêu rõ.
Còn theo Phó thủ tướng Nga Alexander Novak, chính người dân EU chứ không phải giới lãnh đạo mới là người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga.
Theo ông Novak, thị trường dầu toàn cầu sẽ tự điều chỉnh trong vòng 6 hoặc 8 tháng nên Nga sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh trừng phạt của EU.
Các nước EU trước đó nhất trí sẽ ngừng mua khoảng 90% tổng lượng dầu nhập khẩu từ Nga, ngoại trừ một số nước không giáp biển và lệ thuộc vào năng lượng Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mô tả việc ngừng mua dầu mỏ và sản phẩm tinh chế từ Nga là một bước đi cần thiết nhằm chặn đứng nguồn tiền cung cấp cho các hoạt động quân sự của Matxcơva tại Ukraine.
Trong cuộc họp báo cùng ngày 2-6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ không chấp nhận bán dầu với giá lỗ và tin rằng không có EU thì vẫn còn thị trường khác.
Khi được hỏi liệu Nga có "đóng cửa" với châu Âu trong bối cảnh quan hệ hai bên đang hết sức tồi tệ, ông Peskov nhấn mạnh Matxcơva không có ý định "đóng sầm cửa với EU".
Theo một số hãng thông tấn phương Tây, EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 nhắm vào Nga nhằm buộc Matxcơva phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Một số nguồn tin cho biết việc cấm nhập khẩu khí đốt đã được nhắc đến song đang gây tranh cãi mạnh mẽ trong nội bộ EU. Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu và đây cũng là mặt hàng mà các nước này nhập khẩu nhiều nhất từ Nga.
OPEC+ tăng sản lượng dầu
Tối 2-6, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến trong bối cảnh giá "vàng đen" tăng vì các biến động địa chính trị quốc tế.
Tuyên bố của OPEC+ cho biết khối này sẽ tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8 tới. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng hằng tháng trước đó, 432.000 thùng/ngày.
TTO - Điện Kremlin chỉ trích Mỹ “đổ thêm dầu vào lửa” khi chuyển vũ khí cho Ukraine và cáo buộc các lệnh trừng phạt ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường năng lượng toàn cầu.
Xem thêm: mth.57595312220602202-yuh-ut-tun-mab-al-agn-om-uad-mac-ue-agn/nv.ertiout